Chiến sự Nga-Ukraine ngày 24/12/2024: Xung đột ở Ukraine sẽ chấm dứt khi Kiev hiểu được nhu cầu hòa bình
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Xung đột ở Ukraine sẽ chấm dứt khi Kiev hiểu được nhu cầu hòa bình
Đại sứ Nga tại Thụy Điển Sergei Belyaev nói trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Phần Lan Iltalehti rằng, xung đột Ukraine sẽ kết thúc khi Kiev và các nước phương Tây nhận ra sự cần thiết của giải pháp hòa bình và thỏa hiệp.
“Không thể nói khi nào chiến sự sẽ kết thúc. Chiến sự sẽ kết thúc ngay khi Ukraine và các nước phương Tây hiểu rằng, bằng cách này hay cách khác, cần đạt được giải pháp hòa bình và luôn đạt được thông qua đàm phán, thỏa hiệp”, nhà ngoại giao Nga nói.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã nêu các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine. Trong số đó, có việc Ukraine sẽ phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, đảm bảo quyền của người dân nói tiếng Nga và trở thành một quốc gia trung lập, không có vũ khí hạt nhân.
Nga nhiều lần tuyên bố trong suốt cuộc xung đột rằng, Moscow sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, miễn là tính đến "thực tế trên thực địa", đề cập đến 4 vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.
Kiev đã không công nhận kết quả của những cuộc trưng cầu dân ý, cũng như không công nhận bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tổng thống Zelensky cũng cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga, bằng một sắc lệnh của tổng thống vào năm 2022.
Nga cảnh báo về tên lửa hành trình Taurus của Đức
Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cho biết, Moscow một lần nữa cảnh báo Đức không nên tiến hành bất kỳ hành động thù địch nào nhằm vào nước Nga nếu không muốn bị đáp trả, trong đó có việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine và cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Đức.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục căng thẳng. Ảnh: RIA |
"Điều này liên quan đến cả khả năng sử dụng tên lửa hành trình Taurus và kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Mỹ trên lãnh thổ Đức", TASS dẫn lời ông Nechayev nói.
Đồng thời, Đại sứ Nga cũng nhắc lại việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng bác bỏ ý tưởng cung cấp các hệ thống chiến đấu này cho chính quyền Kiev, bởi vì với bước đi như vậy đồng nghĩa với việc Đức sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Cuộc chiến với Nga sẽ được giải quyết trong năm 2025
Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang làm thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Quan chức này cho biết, giới chức Ukraine bắt đầu tin rằng, cuộc chiến với Nga sẽ được giải quyết trong năm 2025.
"Tôi sẽ không tin chúng ta đang tiến gần tới các cuộc đàm phán nếu không có những tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Donald Trump về đàm phán hòa bình", quan chức trên nhấn mạnh.
Đức và Đan Mạch chuyển 15 xe tăng Leopard 1A5 kèm phụ tùng cho Ukraine
Theo danh sách hỗ trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine được công bố trên trang web của chính phủ Đức, Berlin đã cập nhật danh sách vũ khí được chuyển đến Kiev, trong đó, có 15 xe tăng Leopard 1A5 cùng các phụ tùng thay thế được cung cấp cho Ukraine trong khuôn khổ dự án chung với Đan Mạch.
Số vũ khí mới này còn bao gồm 30 xe bọc thép chở quân được bảo vệ chống phục kích (MRAP), đạn dược cho xe tăng Leopard 2 và kho dự trữ công nghiệp, cũng như đạn dược cho xe tăng Leopard 1. Ngoài ra, Đức còn chuyển giao 2 pháo tự hành Gepard và 2 trạm radar TRML-4D cho Ukraine.
Cũng theo danh sách trên, Berlin cung cấp cho Kiev 12 phương tiện bảo vệ động học (Diehl Defense), thiết bị xử lý vật liệu nổ, 5 hệ thống rà phá bom mìn di động, được điều khiển và bảo vệ từ xa, 7 xe SUV quân sự Caracal, 5 hệ thống phòng thủ tên lửa trên không AMPS cho máy bay trực thăng…