Chiến sự Nga-Ukraine ngày 22/6: Xung đột tại Ukraine có thể “đóng băng” vào mùa Thu 2023?
Trao đổi với tờ báo Ura.ru, lãnh đạo Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Liên bang Nga, nhà phân tích quân sự Alexander Mikhailov đánh giá, 2023 là năm quan trọng đối với chiến dịch quân sự đặc biệt Moscow đang tiến hành, khi Mỹ và phương Tây sắp có những động thái thay đổi cách tiếp cận với cuộc xung đột này.
Cuộc xung đột tại Ukraine chỉ có thể xuống thang khi Mỹ và phương Tây giảm nguồn viện trợ cho Kiev |
Theo đó, trong mùa Hè năm 2023, châu Âu sẽ giảm dần các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine và tới mùa Thu, nếu tình hình chiến trường không có gì biến chuyển, Kiev có thể bị ép đóng băng xung đột với Nga.
“Vào cuối mùa hè này, châu Âu sẽ yêu cầu Washington trả lời câu quyết định liên quan tới cuộc xung đột là: Chúng ta không thể cố được nữa, hãy tìm cách giải quyết tình hình”, chuyên gia Alexander Mikhailov dự báo.
Về phương án giải quyết xung đột, chuyên gia Alexander Mikhailov cho rằng, châu Âu sẽ có nhiều phương án phi truyền thống. Trong đó đáng chú ý là có thể kết nạp Ukraine vào NATO với điều kiện khối quân sự này cam kết đảm bảo an ninh cho Nga. Với những điều khoản nhượng bộ, nếu Moscow đồng ý, Nga, Mỹ và phương Tây sẽ ký một hiệp định có tính ràng buộc quốc tế.
Liên quan tới diễn biến chiến sự tại Ukraine, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter dự đoán, giai đoạn chiến sự chính tại Ukraine sẽ kết thúc vào mùa Thu năm nay. Với những diễn biến trên chiến trường hiện tại, ông Scott Ritter đánh giá cuộc phản công của Ukraine sẽ không đạt được bất kỳ kết quả đáng chú ý nào.
Trong khi đó, Kiev hiện vẫn đang cố gắng níu kéo cuộc chiến với tuyên bố sẽ kêu gọi các quốc gia đồng minh viện trợ thêm vũ khí để tiến hành phản công. Phát biểu về vấn đề này, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak cho biết, Kiev đang làm việc các đối tác về thời điểm cung cấp máy bay chiến đấu và sẽ sớm nhận được các loại tên lửa tấn công tầm xa.
Con số thương vong của lực lượng vũ trang Ukraine tăng cao khi cuộc phản công diễn ra |
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Atlantic Council, ông Andriy Yermak nhấn mạnh: “Chúng tôi hiện đang lên hệ chặt chẽ với các đối tác để lên lịch thời điểm cung cấp máy bay chiến đấu, tương tự như khi chuyển giao xe tăng hạng nặng trước đây. Câu hỏi hiện tại là thời điểm nào công việc này sẽ hoàn thành”.
Ông Andriy Yermak tỏ ra lạc quan về việc Kiev sẽ được cung cấp các loại tên lửa tầm xa hiện đại từ Mỹ và phương Tây: “Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ diễn ra trong một tương lai gần hay rất gần”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Washington sớm hay muộn cũng sẽ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho Kiev. Đây là loại vũ khí tấn công tầm xa tới 800km và có thể tích hợp lên các hệ thống pháo phản lực M270 hay HIMAR. Mỹ từng kiên quyết từ chối đề nghị của Ukraine viện trợ loại vũ khí đạn đạo chiến thuật này do lo ngại Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Về tình hình chiến sự, trong 2 ngày qua, Ukraine cơ bản không tổ chức các đợt phản công lớn nhằm vào tuyến phòng thủ của Nga, mà chủ yếu vẫn là các hoạt động thăm dò và nghi binh trên toàn mặt trận.
Hiện đã xuất hiện nhiều thông tin về việc Ukraine đang luân chuyển lực lượng tới chiến trường, trong đó đáng chú ý là việc rút bớt các đơn vị bảo vệ biên giới phía Bắc giáp Belarus tới khu vực Nam Donetsk và Bakhmut. Nhiều đơn vị được cho là thiện chiến nhất của Ukraine cũng đang tiếp gần chiến tuyến tại khu vực Orekhovo và Vremetsky. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, đây có thể là hoạt động chuẩn bị cho đợt phản công lớn sắp tới.
Liên quan tới hoạt động chiến sự, con số thương vong của Ukraine dù không được xác định chính xác, nhưng từ các thông tin liên quan, các bệnh viện quân y tuyến đầu của Ukraine đã phải tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân thêm 20%.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn các nguồn tin phương Tây đăng tải, số lượng thương binh tăng mạnh trong 2 tuần qua, khi Ukraine mở đợt phản công lớn tại vùng Zaporozhye.
Các binh sĩ Ukraine nhập viện chủ yếu do các vết thương do mảnh đạn gây ra với tỷ lệ cắt chi rất cao.