Chiến sự Nga-Ukraine ngày 22/3: Không đạt mục tiêu khiến Nga sa lầy, Mỹ và phương Tây tìm đường rút trong danh dự
Tướng Mỹ gần đây đã nói với Tổ chức Eurasia Group trong một podcast cho rằng, các hoạt động ngoại giao con thoi của các nước sẽ là động lực để kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine.
"Đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhận ra rằng cái giá phải trả để tiếp tục thực hiện cuộc chiến này thông qua các biện pháp quân sự là vô cùng thách thức. Điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Và tôi hoan nghênh ý chí cũng như lòng dũng cảm và khả năng phục hồi của người Ukraine", tướng Mark Milley cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley đang đề cập cơ hội đàm phán giải quyết xung đột tại Ukraine |
"Nhưng cũng có một vấn đề thực tế là không thể loại trừ người Nga rút khỏi Ukraine. Điều đó thực sự khó thực hiện về mặt quân sự, và đó là một cái giá rất lớn về máu và vật chất. Và vì điều này, ai đó sẽ tìm ra cách để ngồi vào bàn đàm phán, và đó là nơi mà vấn đề này cuối cùng sẽ được giải quyết", tướng Mark Milley bình luận.
Nhận xét của tướng Mark Milley trong podcast lặp lại những đánh giá tương tự mà ông đã đưa ra trong suốt cuộc chiến kéo dài 13 tháng. Vị tướng này đã bày tỏ lo ngại về việc Kiev khó có thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ và bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sẽ quyết định kết quả.
Một số chính phủ như Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên. Một nỗ lực như vậy trong những tuần gần đây đến từ Trung Quốc, nước đã đưa ra một đề xuất hòa bình mà Nhà Trắng cho rằng có lợi cho Nga.
Trong khi đó, thương vong cho cả hai quân đội tiếp tục gia tăng khi cuộc chiến vẫn tập trung dọc theo một mặt trận mở rộng ở khu vực Donbass phía đông Ukraine.
Theo Business Insider, Moscow đã phát động một cuộc tấn công mùa Xuân 2023, tiến công theo nhiều hướng và huy động hàng trăm nghìn binh sĩ tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực đã tạo ra rất ít thành công và các chuyên gia quân sự cho rằng, nỗ lực phản công của Ukraine nếu diễn ra cũng rơi vào trạng thái tương tự.
Ukraine đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vượt qua cuộc tấn công của Nga, hứng chịu các đòn tấn công từ lực lượng vượt trội về số lượng và ngăn chặn người Nga giành được lãnh thổ đủ lâu để nhận được một loạt vũ khí tiên tiến và hiện đại của phương Tây, chẳng hạn như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, và hệ thống pháo binh.
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố của Mỹ và phương Tây về những giải pháp ngoại giao giải quyết xung đột tại Ukraine, Nga cáo buộc các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang nỗ lực để ngăn Ukraine bước vào bàn đàm phán với Moscow.
"Washington, các nước châu Âu, đặc biệt là Washington luôn mong muốn không để Kiev tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với bất kỳ lý do nào. Đơn giản là họ không để cho Kiev nghĩ về điều đó", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 21/3 khi được hỏi về những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao phương Tây rằng, bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cho Ukraine, nếu xuất phát từ các cuộc đàm phán Nga - Trung Quốc, đều "không thể chấp nhận được".
Trước đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington không ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Ukraine vào lúc này, đồng thời bác bỏ đề xuất hòa bình do Trung Quốc đưa ra. Ông John Kirby giải thích, ngừng bắn lúc này đồng nghĩa với việc công nhận chiến dịch quân sự của Nga, tạo cơ hội để Moscow tập hợp lực lượng cho các kế hoạch tấn công về sau.
Mỹ và phương Tây cần những thỏa thuận hòa bình có lợi và vì lợi ích của họ |
Bộ Ngoại giao Nga hôm 21/3 cho rằng Mỹ, Anh, Đức và Pháp không thể là trung gian hòa giải đáng tin cậy cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào vì họ đã can dự vào cuộc xung đột tại Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà ngoại giao Đức kỳ cựu Wolfgang Ischinger đề xuất thành lập một nhóm trung gian hòa giải với nòng cốt là 4 nước phương Tây gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Các quốc gia này đều ủng hộ các sáng kiến hòa bình giả tạo là đưa ra tối hậu thư muốn lực lượng Nga đầu hàng. Với cách tiếp cận như vậy, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể là bên trung lập để khởi động tiến trình hòa bình. Họ không quan tâm đến việc giải quyết khủng hoảng và đang làm mọi cách để tối đa hóa sự đối đầu", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "Nga hiện vẫn là trở ngại duy nhất cho tiến trình hòa bình ở Ukraine. Nga và chỉ Nga mới có thể chấm dứt cuộc chiến này ngay hôm nay", quan chức Mỹ nhấn mạnh.
"Mỹ muốn cuộc chiến này kết thúc, nhưng hòa bình phải công bằng và bền vững. Công việc của chúng tôi là đảm bảo rằng Ukraine ở vị thế mạnh nhất trên bàn đàm phán, đó là lý do chúng tôi đang nỗ lực tối đa để giúp Ukraine giành lại và bảo vệ các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát, bất kể là từ tháng 2/2022 hay từ năm 2014", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putinđã hoan nghênh sáng kiến này, tuyên bố Nga sẵn sàng thảo luận dựa trên đề xuất của Trung Quốc, đồng thời nhắc lại mong muốn của Moscow là tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.