Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay 25/1/2024: Đức cảnh báo về viện trợ Ukraine; hàng chục cuộc giao tranh trên các mặt trận
Thông tin chiến sự
Hàng chục cuộc giao tranh trên các mặt trận. Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, lực lượng phòng vệ Ukraine đẩy lùi 7 đợt tấn công của quân đội Nga ở tả ngạn sông Dnipro (Kherson) và 36 cuộc tấn công tại 7 khu vực khác.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã phá hủy 1 hệ thống phòng không SAMP-T do Pháp sản xuất, tấn công các kho đạn, 1 trạm radar của hệ thống phòng không S-300, 127 đơn vị pháo binh, nhân lực, trang thiết bị của Ukraine trên tổng cộng 132 khu vực trong ngày qua.
Trên hướng Kupiansk (Kharkiv), quân đội Nga tuyên bố đẩy lùi 5 cuộc tấn công của Ukraine, loại khỏi vòng chiến 175 binh sĩ, 2 xe tăng, 5 phương tiện khác, 1 pháo tự hành Giatsint-S và 4 pháo tự hành Gvozdika của đối phương.
Ảnh minh họa |
Ukraine ra mắt hệ thống phòng thủ mới. Ukraine mới đây giới thiệu một hệ thống mới có khả năng gây nhiễu UAV của Nga, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong cuộc xung đột với Nga.
Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine cho biết, phương tiện mới nhất của Ukraine nhằm gây nhiễu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga “đã được quân đội Ukraine sử dụng tích cực”.
“Hệ thống AD Counter FPV do các thành viên của chương trình nghiên cứu Brave1 của Ukraine phát triển. Ukraine triển khai tổ hợp này như nỗ lực trong việc đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ quân sự”, ông Fedorov thông báo.
Một số diễn biến liên quan
Đức cảnh báo về viện trợ Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, nước này không thể tự mình duy trì năng lực phòng thủ của Ukraine về lâu dài và các nước khác sẽ cần tăng cường đóng góp.
“Không thể nào Đức làm nhiều hơn để giúp Ukraine trong khi những nước khác làm ít hơn”, ông Lindner nói, đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác chia sẻ chi phí.
Viện trợ dành cho Ukraine từ các nước EU là chưa đủ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, sự hỗ trợ mà các nước châu Âu lên kế hoạch cho Ukraine vào năm 2024 là chưa đủ và ông đang yêu cầu họ hỗ trợ thêm cho Kiev.
“Số tiền mà các quốc gia châu Âu cung cấp cho đến nay vẫn chưa đủ lớn. Châu Âu phải thảo luận xem mỗi quốc gia có thể đóng góp những gì”, ông Scholz nói.
Thủ tướng Đức cho biết, Ukraine cần có mọi thứ để phòng thủ. “Tôi tin chắc châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine”.
Máy bay vận tải quân sự Nga rơi gần biên giới Ukraine. Đại diện Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, ngày 24/1, một máy bay vận tải quân sự hạng nặng Ilyushin Il-76 của Nga đã rơi ở vùng Belgorod của Nga - giáp giới với Ukraine và phát nổ tạo thành một quả cầu lửa khổng lồ.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay chở theo 65 tù binh Ukraine, cùng 6 thành viên phi hành đoàn và 3 người hộ tống, tới vùng Belgorod để trao đổi. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ám chỉ Ukraine đã bắn hạ máy bay. Theo ông Volodin, cần làm rõ máy bay có thể bị bắn rơi bằng loại tên lửa phòng không nào.
EU khó khăn trong các biện pháp trừng phạt Nga. Theo truyền thông Mỹ, EU đang cảm thấy khó đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU giải thích: “Vấn đề lớn nhất là tất cả các mặt hàng chủ đạo đều đã bị áp trừng phạt hoặc những mặt hàng đáng kể khác như hạt nhân hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không dễ áp trừng phạt”.
Nga vẫn là nhà cung cấp LNG chủ chốt trong khu vực. Một số nước EU thậm chí còn tăng đáng kể việc nhập khẩu nhiên liệu này từ xứ sở bạch dương. Hungary và các nước Đông Âu khác cũng phản đối trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga, trong bối cảnh tập đoàn quốc doanh Rosatom của Moscow đang xây dựng 2 lò phản ứng mới cho Hungary.
Estonia tham gia huấn luyện tân binh Ukraine. Bộ Quốc phòng Estonia xác nhận, nước này đã tham gia Chiến dịch Interflex để huấn luyện quân đội Ukraine.
“Tại Ramstein, Estonia tuyên bố tham gia khóa huấn luyện ‘Chiến dịch Interflex’ do Anh dẫn đầu”, Bộ Quốc phòng Estonia thông báo.
Thông qua Chiến dịch Interflex, hơn 34.000 tân binh Ukraine đã có được những kỹ năng cần thiết để tiến hành các hoạt động chiến đấu ở tiền tuyến.
Ngoại trưởng Nga nói về chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “tất yếu khi Ukraine trở thành mối đe dọa trước mắt đối với Nga”.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt là không thể tránh khỏi sau nhiều năm chúng tôi cố gắng thuyết phục phương Tây không nên biến Ukraine thành mối đe dọa trực tiếp ở biên giới Nga”, ông Lavrov nói.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Mỹ từng mô tả Iraq, Afghanistan, Libya, Syria - những vùng đất vốn xa xôi với biên giới Mỹ - là “mối đe dọa đối với lợi ích” của Washington. Trong khi đó, Ukraine nằm sát Nga, có người Nga sinh sống nhưng lại cấm nói tiếng Nga nên thực sự là mối đe dọa với Moscow.
Ukraine nhận thêm viện trợ quân sự Mỹ ngày càng khó. Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy nhận định, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ có thể chặn gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine ngay cả khi thỏa thuận nhập cư và an ninh biên giới được lưỡng đảng thông qua.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trước đó đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến gói viện trợ quân sự bổ sung 100 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất dành cho Ukraine. Các lãnh đạo đại diện lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và Chuck Schumer đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thỏa thuận an ninh biên giới cũng như viện trợ bổ sung cho Ukraine.