Chiến sự Nga - Ukraine 22/3: Nga nói UAV Ukraine tấn công lãnh thổ, Kiev sắp phản công quy mô lớn
Thông tin chiến sự
NATO dự đoán kế hoạch phản công quy mô lớn của Ukraine. Ukraine được cho là sẽ tiến hành cuộc phản công quy mô lớn trong tháng 5, nhằm vào Zaporizhia và Lugansk, để cắt đứt “hành lang trên bộ” nối đến Crimea. Nguồn tin cấp cao từ NATO cho biết, xung đột Nga - Ukraine đang tiến gần đến giai đoạn quyết định với việc Kiev tìm cách giành lại các vùng lãnh thổ mới bị Nga kiểm soát trong mùa xuân này.
Theo một quan chức NATO, các phân tích của liên minh cho rằng, xung đột sẽ lên đỉnh điểm vào mùa xuân và mùa hè. Quan chức này cũng tin rằng, vũ khí hạng nặng viện trợ cho Ukraine sẽ được sử dụng trong một số cuộc phản công sớm nhất là vào tháng 5.
Nga dùng tên lửa tấn công thành trì Bakhmut. Quân đội Nga đang gia tăng các cuộc tấn công để nhanh chóng kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine. Ông Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lục quân Ukraine, xác nhận các cuộc giao tranh suốt ngày đêm vẫn đang diễn ra tại khu vực thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine.
“Nỗ lực phòng thủ Bakhmut vẫn tiếp tục. Các trận chiến căng thẳng vẫn diễn ra tại dọc phòng tuyến của lực lượng phòng thủ phía Đông. Nhiều trang thiết bị quân sự, nhân lực và kho tàng của đối phương đã bị phá hủy”, ông Syrskyi tuyên bố.
Tư lệnh lục quân Ukraine đồng thời tiết lộ quân đội Nga đang nỗ lực tổ chức các cuộc đột kích từ ngoại ô vào trung tâm Bakhmut. Tuy nhiên, các nỗ lực tấn công này đã bị đẩy lùi bởi các binh sĩ đến từ Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 24 và Lữ đoàn dù số 80 của quân đội Ukraine.
Nga tố UAV Ukraine tấn công trạm bơm dầu. Thống đốc vùng Bryansk của Nga, Aleksandr Bogomaz cho biết, một máy bay không người lái (UAV) Ukraine đã tấn khu vực trạm bơm dầu ở Novozybkov. “Hôm nay (21/3), các lực lượng vũ trang Ukraine với sự hỗ trợ của UAV đã tấn công khu vực trạm bơm dầu ở Novozybkov của công ty Transneft. Không ghi nhận thương vong”, RIA Novosti dẫn lời ông Bogomaz cho biết.
Ông Bogomaz cho biết thêm, để đảm bảo an ninh, một số khu định cư đã bị cắt điện. Sau khi thực hiện các biện pháp vận hành và điều tra, điện sẽ được cấp lại.
Một số diễn biến liên quan
Mỹ tuyên bố Trung Quốc không “vô tư” nếu làm trung gian cho Nga - Ukraine. Ngày 21/3, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Mỹ không nhận thấy Trung Quốc có khả năng trở thành một trung gian hòa giải “vô tư” cho Ukraine và Nga. Đây là lời chỉ trích trực tiếp nhất của Washington về mục tiêu trở thành nước trung gian của Bắc Kinh trong nỗ lực chấm dứt chiến sự Ukraine. Ông Kirby nói thêm Mỹ không muốn lệnh ngừng bắn được áp dụng ở Ukraine vì điều đó sẽ cho phép Nga vẫn ở lại trên các phần lãnh thổ đã kiểm soát và cho Nga thời gian tái tập hợp lực lượng.
Nga lên án Anh, cảnh báo nguy cơ hạt nhân. Ngày 21/3 Nga đã lên án kế hoạch của Anh về việc gửi đạn dược chứa uranium nghèo tới Ukraine, động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho rằng góp phần rút ngắn thời gian dẫn đến một “đụng độ hạt nhân” tiềm tàng giữa Nga và phương Tây.
Phát biểu tại London hôm 20/3, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết trong số đạn dược dành cho xe tăng chiến đấu Challenger 2 mà Anh đã gửi tới Ukraine, có loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.
Thủ tướng Nhật gặp tổng thống Ukraine. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Kiev hôm 21/3 trong một chuyến thăm được giữ bí mật đến giờ chót. Chuyến đi thể hiện cam kết của Tokyo trong việc hỗ trợ Ukraine, diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Nhật vào tháng 5. Trước chuyến đi, ông Kishida là nhà lãnh đạo duy nhất trong G7 chưa từng đặt chân đến Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Nga nêu 4 nước không được tham gia đàm phán hòa bình ở Ukraine. Nga cho rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức không thể là trung gian đàm phán hòa bình Ukraine vì họ đã can dự vào xung đột giữa Moskva và Kiev. “Chúng tôi không biết gì về sáng kiến này”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết khi nhắc đến đề xuất gần đây của cựu chủ tịch Hội nghị Munich Wolfgang Ischinger rằng nên thành lập một nhóm trung gian với nòng cốt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức để tìm cách chấm dứt khủng hoảng Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, sáng kiến của ông Ischinger tạo ra nhiều vấn đề. Trước tiên, 4 quốc gia nêu trên đều là các bên tham gia cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine với Nga. Tiếp theo, họ đều ủng hộ “sáng kiến hòa bình giả tạo” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, muốn lực lượng Nga đầu hàng.
NATO tổ chức họp với Ukraine bất chấp sự phản đối của Hungary. Ngày 21/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông sẽ triệu tập một cuộc họp cấp cao của tổ chức quân sự này với Ukraine vào tháng tới bất chấp sự phản đối từ Hungary. Tổng thư ký NATO cho biết, cuộc họp sẽ được tổ chức bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại Brussels vào ngày 4/4 và 5/4 tới, đồng thời lưu ý tổng thống Zelensky đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Litva vào tháng 7/2023.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO đưa ra quyết định của mình dựa trên sự đồng thuận. Ông cũng nhắc tới việc Hungary liên tục trì hoãn thời gian bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển mà không có nhiều lời giải thích.