Trong báo cáo số 4 của loạt bài “Chuỗi giá trị toàn cầu trong ASEAN” tập trung vào Indonesia phát hành vào tháng 6/2021 của Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, Indonesia hiện đạt tỷ trọng đáng kể trong giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu (DVA) ở mức 88% vào năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng này tập trung vào các hoạt động sản xuất ở các cấp sản xuất thấp hơn, đòi hỏi nguyên liệu nhập khẩu và công nghệ nước ngoài ở mức tối thiểu.
Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ mười trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 1,1 nghìn tỷ USD. Mặc dù vậy, lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 1/5 tổng giá trị gia tăng được tạo ra. Điều này cho thấy khu vực sản xuất tạo ra giá trị nhỏ đối nghịch với quy mô lớn, vốn gấp đôi quy mô của khu vực sơ cấp về sản lượng. So với các quốc gia có thu nhập trung bình cao khác như Malaysia và Thái Lan, Indonesia vẫn duy trì mức thu nhập thấp hơn và có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành sản xuất chậm nhất. Việc mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu là cơ hội tốt để nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất bản địa, được coi là một trong những chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình.
![]() |
Sự tham gia mạnh mẽ và ở cấp độ cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể tạo ra tăng trưởng thông qua khối lượng thương mại cao hơn và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn. Báo cáo khuyến nghị Indonesia xem xét áp dụng mô hình tăng trưởng này như một phương án khung chính sách.
Các số liệu về FDI cho thấy, lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 40% trong giai đoạn 2014-2019 và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất công nghệ trung bình như thực phẩm, kim loại và sản xuất máy móc. Do đó, Indonesia cần phải tăng cường các ngành công nghiệp và thị trường địa phương cũng như thúc đẩy FDI một cách có chiến lược. Quốc gia này cũng cần có các chính sách khuyến khích cải tiến kỹ thuật công nghiệp và công nghệ của nền kinh tế địa phương và tăng cường phát triển nguồn nhân lực, chẳng hạn như kỹ thuật tiên tiến, thiết kế và năng lực R&D để thúc đẩy đất nước hướng tới một nền kinh tế sử dụng nhiều tri thức và đổi mới.
Việc phát huy tối đa tiềm lực kinh tế quốc gia không tự động kéo theo việc hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các tác nhân địa phương có thể không có khả năng tận dụng lợi thế của việc tiếp xúc với mạng lưới sản xuất toàn cầu vì các yêu cầu như tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nguồn lực quản lý và tài chính lớn hơn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể ngăn cản các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Ở cấp độ quốc gia, quá trình tạo ra giá trị gia tăng trở thành chìa khóa. Đây là nơi mà vai trò của hệ thống đổi mới quốc gia thông qua chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) hiệu quả là rất quan trọng trong việc tối đa hóa tác động lan tỏa.
Một hệ thống đổi mới quốc gia được quy hoạch tốt có thể là cầu nối nhằm chuyển đổi công nghệ nước ngoài thành công nghệ bản địa trong lĩnh vực sản xuất. Chính phủ cần ưu tiên nâng cấp các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là ở trình độ công nghệ trung bình - thấp và công nghệ trung bình - cao, vì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn ở trong các lĩnh vực công nghệ thấp.
Chính phủ Indonesia cần thiết lập một hệ thống đổi mới quốc gia được quy hoạch tốt và hiệu quả, tập trung vào bắt kịp đà phát triển công nghiệp và phối hợp với các bộ chủ chốt liên quan đến công nghiệp, nghiên cứu và phát triển, giáo dục đại học để hỗ trợ nâng cấp các công ty sản xuất bản địa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để phù hợp với điều này, các cơ quan chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới cần tập trung vào việc tạo ra một mạng lưới để chuyển đổi công nghệ nước ngoài thành năng lực công nghệ nội địa thay vì tạo ra một thứ gì đó “thuần túy địa phương”.