Bộ Công Thương nêu 6 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Bắc Ninh vẫn rất thấp? |
9 tháng mới đạt gần 50% kế hoạch
Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, ước thực hiện từ đầu năm đến ngày 30/9, giải ngân đầu tư công mới đạt 42,96% kế hoạch và 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 55,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đạt 80,16% kế hoạch.
Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa.
Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh tích cực, chủ động, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: B.Y |
Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 80,16% kế hoạch; trong đó, vốn Chương trình phục hồi của bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ); giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (6,76%).
Đáng lưu ý, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như TP. Hồ Chí Minh (21,29%), Phú Yên (22,38%), Bắc Ninh (24,48%), Kon Tum (25,62%), Kiên Giang (26,93%). Việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 21,29%. TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ mới giải ngân 38,88%).
Đối với việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải đạt tỷ lệ 41,6% kế hoạch năm 2024 được giao (101.340,21 tỷ đồng).
Còn tồn tại loạt điểm vướng
Lý giải nguyên nhân theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ ra, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA; các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA…
Theo đó, để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đặc biệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu...