Châu Âu có động thái mới với các mục tiêu về khí hậu
Tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu (ERT), một nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng ở Brussels, cho biết mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là giảm và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, điều sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào lưới điện, cơ sở lưu trữ năng lượng và thu hồi carbon.
Theo ERT, khoản đầu tư 800 tỷ euro (868 tỷ USD) là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu năm 2030, song khối này cần tổng cộng 2.500 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh vào năm 2050 và duy trì hoạt động kinh doanh.
EU đã cam kết đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon |
Từ năm 2010 đến năm 2018, tổng vốn đầu tư vào lưới điện ở các nước EU đạt khoảng 32 tỷ euro. ERT cho rằng, nếu nguồn tài chính vẫn ở mức đó cho đến năm 2050 thì mức chênh lệch giữa số vốn đầu tư và số tiền cần thiết sẽ là 60%.
Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu của ERT, ông Dimitri Papalexopoulos nhận định: “Các biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân cần thiết vẫn chưa có. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết vấn đề này một cách khẩn cấp”.
Vào cuối năm ngoái, Nghị viện châu Âu (MEP) nói rằng, để đạt được các mục tiêu về khí hậu của EU, các nỗ lực giảm phát thải sẽ cần được bổ sung bằng các biện pháp loại bỏ carbon khỏi khí quyển.
Nghị viện cũng đã thông qua quan điểm của mình vào tháng 11/2023 về khung chứng nhận mới của EU về loại bỏ carbon tự nhiên và công nghệ nhằm giúp đạt được trung hòa về khí hậu của EU vào năm 2050. Với 448 phiếu bầu cho 65 và 114 phiếu trắng, MEP đã đồng ý thiết lập một hệ thống để cải thiện năng lực của EU để định lượng, giám sát và xác minh việc loại bỏ carbon.
“Điều này sẽ giúp tăng cường sử dụng, xây dựng niềm tin với các bên liên quan và ngành công nghiệp, đồng thời chống lại hành vi tẩy xanh”, MP nhấn mạnh.
Theo quy định của thị trường carbon châu Âu, các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Kể từ năm 2005, các lĩnh vực này đã giảm được 43% lượng khí thải, nhưng EU thúc đẩy thực hiện chương trình cải cách để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, trong khi biện pháp này áp dụng với các hãng hàng không từ năm 2026. Khí thải của ngành vận tải biển sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024. Nhằm khuyến khích các quốc gia ngoài EU tăng các cam kết về khí hậu và bảo đảm hành động khí hậu toàn cầu, EP đã phê duyệt các quy tắc cho Cơ chế điều chỉnh carbon mới của EU (CBAM), được thực hiện theo từng giai đoạn từ năm 2026 đến 2034, đồng bộ với việc loại bỏ dần các khoản phụ cấp phát thải carbon miễn phí theo hệ thống mua bán quyền khí thải (ETS) của EU. Bên cạnh đó, các nước EU cũng thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu các hàng hóa có khí thải carbon cao từ năm 2026 gồm thép, xi-măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu những hàng hóa này sẽ phải trả tất cả khoản chênh lệch giá giữa giá carbon thanh toán tại nước sản xuất và giá quyền phát thải carbon dioxide trong ETS. |