Châu Á - Thái Bình Dương cần đa dạng hóa thương mại
Thông điệp nêu trên ADB đưa ra trong Báo cáo “Hỗ trợ phát triển thương mại châu Á - Thái Bình Dương: Thúc đẩy đa dạng hóa và trao quyền về kinh tế”, tại Hội nghị rà soát toàn cầu hỗ trợ thương mại lần thứ 7, năm 2019, của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), từ ngày 3-5/7/2019. Đây là một phần của Sáng kiến Hỗ trợ thương mại, với mục tiêu giúp các nền kinh tế đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan tới thương mại và năng lực phía cung.
Đa dạng hóa thương mại sẽ giúp châu Á - Thái Bình Dương phát triển đồng đều hơn. Ảnh minh họa |
Giải pháp để châu Á - Thái Bình Dương có thể đa dạng hóa thương mại, ứng phó với suy giảm thương mại toàn cầu và phát triển đồng đều hơn, theo ADB khuyến nghị, là tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và năng lực về cơ sở hạ tầng.
Hội nghị rà soát toàn cầu Hỗ trợ thương mại được WTO tổ chức hai năm một lần nhằm tăng cường việc giám sát và đánh giá hỗ trợ phát triển thương mại. Trọng tâm của hội nghị năm nay là cách thức để thương mại có thể đóng góp lớn hơn vào việc đa dạng hóa và trao quyền về kinh tế. |
Ông Bambang Susantono - Phó Chủ tịch ADB về Quản lý tri thức và phát triển bền vững - cho biết: “Những thách thức đối với thương mại nói chung và ở châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, gồm nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ, việc áp dụng các chính sách thương mại hướng nội nhiều hơn, sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và xã hội. Giờ đây, cần đa dạng hóa hơn nữa kinh tế và xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thương mại có trọng điểm để xúc tác các nguồn tài trợ, cho phép chia sẻ lợi ích của thương mại tự do một cách công bằng hơn”.
ADB cho rằng, việc mở rộng các dịch vụ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, là một cơ hội để đa dạng hóa kinh tế và xuất khẩu. Những chính sách toàn diện và gắn kết, cùng với sự gia tăng tự do hóa thương mại và cải cách pháp lý, là điều kiện quan trọng để phát triển thương mại dịch vụ. Trong khi đó, hỗ trợ thương mại tập trung vào khả năng kết nối số hóa giúp thúc đẩy các cơ hội kinh tế bằng cách liên kết doanh nghiệp với những thị trường vốn nằm ngoài tầm với của họ nếu không có kết nối kỹ thuật số. Việc này cũng giúp mở ra thị trường xuất khẩu cho các dịch vụ kinh doanh, thông tin truyền thông và dịch vụ thông tin, bên cạnh hỗ trợ thương mại điện tử trong lĩnh vực sản xuất chế tạo.
Các công nghệ kỹ thuật số và sự gia tăng dịch vụ đã giúp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ trong những năm gần đây, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xóa bỏ những rào cản đang cản trở phụ nữ và các nhóm dễ tổn thương khác vươn ra thị trường quốc tế và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ phát triển thương mại có thể góp phần vào việc này bằng cách khuyến khích những chính sách và quy định thương mại phù hợp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp của phụ nữ và hỗ trợ các công ty nhỏ, gồm cả các công ty do phụ nữ làm chủ.