Chậm giải ngân vốn đầu tư công- "nút thắt" của phục hồi kinh tế
Năm 2022, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%. Đây được đánh giá là mục tiêu không dễ dàng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP đạt được trong năm 2020 và 2021 chỉ lần lượt 2,91 và 2,58% cũng khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay trở nên thách thức hơn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2022, cũng như giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%, ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án |
Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án đầu tư công trọng điểm được đánh giá có tác động lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo đó, trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có 7 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, còn lại 4 dự án chưa đáp ứng tiến độ. Điển hình, có những dự án chỉ đạt 1,5% tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sau nhiều năm triển khai vẫn chậm tiến độ, mặc dù theo Nghị quyết mới nhất của Quốc hội, dự án này đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 là rất lớn. Nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2022 cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Kết thúc tháng đầu tiên của năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 25.300 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn giải ngân mới đạt 12.950 tỷ đồng, bằng 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất chậm.
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung quán triệt nghiêm túc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công. Cùng đó kiến nghị, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thẩm định, lập kế hoạch...
Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước 491.305,895 tỷ đồng, vốn nước ngoài 34.800 tỷ đồng. |