Hiện trên thế giới, CE đã được triển khai với cách tiếp cận đơn giản như mô hình 3R, còn 6R+ được tiếp cận tổng thể hơn. Cụ thể, mô hình 6R+ gồm: Rethink and Redesign- yêu cầu thay đổi tư duy của nhà sản xuất còn Refuse, Reduce và Reuse (gồm Remain và Repair) yêu cầu người dân và cộng đồng xã hội phải thay đổi thói quen tiêu dùng sang những sản phẩm CE và từ chối sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường. Cuối cùng Recycle là hoạt động phục hồi tài nguyên.
Đoàn công tác Bộ Công Thương thăm quan mô hình CE tại Đức |
Với cách tiếp cận nêu trên, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, các DN cần phải có trách nhiệm thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm sau quá trình sử dụng. Như vậy, ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, vật liệu bao bì đóng gói… nhà sản xuất đã phải tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất để giải quyết tất cả các vấn đề trên.
Liên quan đến xây dựng mô hình CE, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách như Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ… Hay Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) tại Quyết định số 76/QĐ-TTg năm 2016. Hiện, Bộ Công Thương đang dự thảo SCP với nhiều nội dung được tiếp cận, lồng ghép các giải pháp, quan điểm của nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện cho giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.
Trách nhiệm của các bên
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, các DN thương mại, kinh doanh, phân phối sản phẩm có trách nhiệm thiết lập hệ thống, hạ tầng ưu tiên phân phối các sản phẩm có nguồn gốc từ CE và có hệ thống thu đổi, thu hồi các sản phẩm đã qua sử dụng liên thông với nhà sản xuất hoặc DN thu gom và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, khi tham gia CE người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng sản phẩm, tham gia các hoạt động thu gom, tái sử dụng, phân loại để tái chế chất thải,... Nhà nước sẽ đưa ra các chính sách định hướng, quy định về trách nhiệm của các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vận hành từ mô hình tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hiệu quả.
Vấn đề tái sử dụng, tái chế, tuần hoàn, ở Việt Nam đã có nhiều mô hình đang được thực hiện như việc kết hợp sản xuất hơi và phát điện trong các nhà máy đường, tận dụng nhiệt thừa cho các công đoạn sấy nguyên liệu của các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy điện cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, với yêu cầu về xử lý các chất thải không thể tái chế và nhu cầu về các công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho hoạt động thu hồi, thu gom, phân loại, phân tách, phục hồi tài nguyên và sản xuất ra các sản phẩm tái chế vẫn là một thách thức đòi hỏi phải có trách nhiệm của các bên.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại Việt Nam, hiện nhiều DN đã nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tham gia CE. Điển hình như Nhà máy Heineken Việt Nam, nấu bia với nguồn năng lượng từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 - 2016, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu để dùng làm nhiên liệu đốt.
Tại trang trại chăn nuôi của Công ty Lộc Phát (Bình Phước), với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (Gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng...
Từ câu chuyện của Heineken và Lộc Phát, cho thấy nếu như trước đây, người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì nay việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là CE, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ đi khái niệm "chất thải". Theo đó, CE có thể hiểu một cách đơn giản là "nền kinh tế phi phát thải".
Những câu chuyện tiếp cận thành công theo CE nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy cho các DN ngành Công Thương cùng bước vào hành trình xây dựng, chuyển đổi và áp dụng các giải pháp "tuần hoàn" vào chiến lược phát triển, hướng đến hình thành các mô hình SCP trong nền kinh tế tuần hoàn của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động liên quan được thực thi một cách có hiệu quả và bền vững. |