Câu nói ''Ăn rau má phá đường tàu'' bắt nguồn từ đâu và mang hàm ý gì?
Cây rau má không còn xa lạ gì đối với người dân Việt Nam. Đặc biệt, khi gắn với người dân Thanh Hóa thì lại có câu gọi truyền miệng rằng “dân rau má”, “Ăn rau má phá đường tàu”. Nếu như không tìm hiểu kỹ và chỉ theo thói quen, không đi kèm với sự vô tư thì câu nói “Ăn rau má phá đường tàu” lại thường dùng để giễu cợt, chê bai người xứ Thanh, một ý nghĩ xấu xí đến khó chịu.
Cây ra má luôn gắn liền với người dân cả nước, đặc biệt là vùng đất Thanh Hóa. (Ảnh: bachhoaxanh.com) |
Đa phần, mọi người đều hiểu câu nói trên theo ý nghĩa nói xấu người dân Thanh Hóa đói ăn đến mức độ phải bất chấp phá cả đường tàu để lấy rau má, duy trì sự sống. Hành động trên còn đồng nghĩa với việc hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, mấy ai có thể hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa tốt đẹp của câu nói này.
Theo nhà văn, nhà báo Từ Nguyên Tĩnh, câu nói “Ăn ra má phá đường tàu” đã có từ rất lâu, cũng không thể xác định ai là người đã sáng tác câu nói trên, nhưng có thể câu nói trên ra đời vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đó cũng là thời kỳ chiến tranh, đói kém, mất mùa nhất của tỉnh Thanh Hóa.
“Khi tôi đi bộ đội những năm 1965 – 1975 trên trận địa Hàm Rồng thì đã nghe đến câu nói đó. Có thể khi đó người dân trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng rất đói kém nên người dân thường đi tìm kiếm các loại rau để làm thức ăn. Các khu vực rau thường mọc như bò cỏ, ruộng mương đã gần hết, chỉ còn các khu vực quanh đường tàu mới còn nhiều hơn người dân thường dùng liềm để lấy rau, trong đó có rau má.
Thế nhưng trên thực tế, không thể có chuyện lấy rau má mà phá cả đường tàu, vì cây rau má này chỉ mọc trên bề mặt, không có củ, rễ sâu để ăn xuống dưới đường ray mà phải phá cả đường ray để lấy rau má. Có thể một nghệ sĩ dân gian nào đó đã sáng tác ra câu nói trên, đó cũng chỉ là những câu nói trêu đùa như nhiều câu nói trào lọng, tếu táo khác khi thấy nhiều điều lạ thường ở Thanh Hóa”.
Nhà văn, nhà báo Từ Nguyên Tĩnh đã lấy ví dụ như đoạn thơ “Nước sông đổ lộn nước đồng/Con gái Thanh Hóa gọi chồng bằng mi”. Đây là câu hò mà anh lính Hàm rồng (hoặc có thể quê ngoài Bắc) hò trêu cô gái làng quê ở vùng Hàm Rồng vì khi kéo pháo vào đây thấy lạ, các cô gái dân quân lên trận địa đào đắp công sự lại gọi nhau bằng “mi, tau”.
Ông Tĩnh chia sẻ thêm, câu nói “Ăn rau má phá đường tàu” đã được cường điệu hóa, nói quá về người Thanh Hóa. Cũng tùy vào mục đích của người nói, có thể mang hàm ý chê bai, nói xấu người Thanh Hóa, cũng có thể là mang ý nghĩa trào phúng, hài hước.
Rất ít người có thể hiểu nguồn gốc và hàm ý tốt đẹp của câu nói "ăn rau má phá đường tàu". (Ảnh: laodong.vn) |
Còn chị Phạm Thị Thơ, giáo viên môn Ngữ Văn một trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, theo cách hiểu của tôi, đây được xem là câu nói cửa miệng, dạng quán ngữ khi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu hiểu đúng thì câu nói đó chỉ là đùa vui, hóm hỉnh, còn nếu sử dụng với hàm ý xấu thì họ sẽ dùng để chê bai, mỉa mai người Thanh Hóa nghèo đói, phá hoại, đó thực sự là một cách dùng rất xấu.
Qua thời gian, câu nói trên càng được in sâu trong tâm trí người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến rau má và người Thanh Hóa. Tùy mỗi người, mỗi hoàn cảnh và mục đích sẽ có cách sử dụng với hàm ý khác nhau, có thể đùa vui, tếu táo hoặc dùng ám chỉ chê bai, nói xấu người Thanh Hóa.
Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, cây rau má vẫn luôn gắn liền với người Thanh Hóa. Từ đưa rau má sang “trời Tây” mà còn lấy rau má làm biểu tượng, niềm tự hào của người Thanh Hóa. Trong cuộc thi Miss World 2021, Hoa hậu Đỗ Thị Hà (một người con Thanh Hóa) đã tự tin diện áo dài truyền thống Việt Nam đến đất nước Puerto Rico. Điểm nhấn của trang phục lần này là hình ảnh “rau má” - niềm tự hào của những người con xứ Thanh.
Phần trên áo dài được thiết kế bằng vải lưới trong suốt để làm nổi bật những họa tiết lá rau má xứ Thanh. Phần tà áo dài được thiết kế bằng chất liệu vải nhung có màu sắc trùng với những họa tiết rau má phía trên khiến tổng thể bộ trang phục trở nên hài hòa.
“Dân Thanh Hóa, ăn rau má phá đường tàu. Chắc hẳn rất nhiều người đã từng nghe qua câu nói này nhưng không nhiều người biết được ý nghĩa thật sự đằng sau. Tại Miss World 2021, Hà sẽ mang hình ảnh rau má đặc trưng của vùng đất xứ Thanh đến gần hơn với các bạn khán giả Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Đây cũng là ý tưởng mà đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã gợi ý cho Hà trong việc chuẩn bị trang phục trước đó, để Hà có cơ hội được giải nghĩa về câu nói mà bao lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng'', Hoa hậu Việt Nam năm 2020 chia sẻ với báo chí.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà, một người con xứ Thanh diện áo dài với hình ảnh “rau má” - niềm tự hào của những người con xứ Thanh. (Ảnh: NVCC/laodong.vn) |
Cũng theo Hoa hậu Đỗ Thị Hà, câu nói đó để nói về sự hy sinh thầm lặng của những người con Thanh Hoá trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Họ luôn mang trong mình sự cần cù, chịu thương chịu khó, luôn đứng vững giữa sự khó khăn, cằn cỗi của mảnh đất quê mà chuyển mình vươn dậy.
Cho dù câu nói trên có xuất phát từ đâu, do ai sáng tác nên, nhưng ý nghĩa, hàm ý tốt đẹp của nó là không thể chối cãi. Nó phản ánh thực trạng một thời gian rất khó khăn, vất vả nhưng cũng đã thể hiện được bản chất cần cù, chịu thương chịu khó và hết sức kiên cường của người dân Thanh Hóa.
Người Thanh Hóa có thể dùng liềm lấy rau má trên đường tàu để làm thực phẩm nhưng không hề phá hoại, mà thay vào đó, người dân xứ Thanh đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Từ đất liền đến những nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, đều có bóng dáng những người con Thanh Hóa đang chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xin đừng sử dụng bừa phứa, phản cảm và thiếu hiểu biết về câu nói trên để làm méo mó, sai lệch về người dân Thanh Hóa.