Câu chuyện phía sau việc tái thả gần 100 cá thể cầy vòi mốc
Tất cả số động vật được tái thả này nằm trong 100 cá thể cầy vòi mốc được Vườn quốc gia Cúc Phương và SVW tiếp nhận từ Công an tỉnh Bắc Giang vào giữa tháng 4/2021 từ một vụ buôn bán, vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Được biết số động vật này có nguồn gốc từ trang trại nuôi để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, đã chuyển từ vùng biên giới phía Bắc xuống tiêu thụ và bị bắt ở Bắc Giang.
Ông Trần Văn Trường - Trưởng nhóm cứu hộ và chăm sóc động vật hoang tại SVW - cho biết: “Việc cứu hộ, chăm sóc và tái thả thành công 62 cá thể cầy vòi mốc trong tuần qua là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cán bộ SVW”.
Đây là vụ cứu hộ cầy vòi mốc lớn nhất từ trước tới nay của trung tâm, vì thế khó khăn đầu tiên là bảo đảm cơ sở vật chất để cứu hộ và nuôi giữ. Bình thường mỗi cá thể nên được giữ trong một chuồng, nhưng trong điều kiện trung tâm còn đang cứu hộ nhiều cá thể tê tê và thú ăn thịt khác, nên phải giữ 2 - 3 cá thể cầy vòi mốc trong một chuồng. Vì thế nhân viên luôn phải quản lý, giám sát để đánh giá tập tính từng cá thể để nuôi ghép với nhau cho phù hợp.
Các cá thể cầy vòi mốc khi bị thu giữ |
Một cái khó của SVW là những cá thể này được nuôi trong các trang trại nên bị mất nhiều bản năng hoang dã, đặc biệt là không biết tìm kiếm và ăn các thức ăn tự nhiên. Các cán bộ trung tâm đã rất nỗ lực tìm kiếm hàng ngàn kilôgam thức ăn tự nhiên như hoa quả rừng, côn trùng, giun đất, và các loại động vật nhỏ để duy trì cuộc sống cho các cá thể này.
Đặc biệt, nhiều cá thể động vật được huấn luyện ở các khu bán hoang dã, được gắn các thiết bị theo dõi để xem việc phát hiện, tìm kiếm thức ăn tự nhiên, cũng như khả năng vận động, khả năng leo trèo. Từ đó, các cán bộ nghiên cứu đánh giá khả năng sống sót và tồn tại ngoài tự nhiên và chỉ thả những cá thể có đầy đủ bản năng hoang dã và sống sót sau khi tái thả.
“Điều may mắn là sau những nỗ lực chăm sóc tại trung tâm, có 70 cá thể cầy vòi mốc đã phục hồi cơ thể và thể trạng, và đặc biệt đã có thể leo trèo cây rất tốt và ăn các loại thức ăn tự nhiên”- ông Trường cho biết.
Trở về với cuộc sống thiên nhiên |
Đáng chú ý, các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt tại các trang trại hoặc buôn bán, vận chuyển trái phép thường mang rất nhiều mầm bệnh. Chính vì vậy, khi tiếp nhận các cá thể cầy này, các bác sĩ thú y đã phải làm việc rất vất vả, ngày đêm vừa chữa trị, cách ly chúng, vừa lấy mẫu để gửi đến các phòng nghiên cứu thú y để phân tích xem chúng có bị nhiễm virus không.
Khi các cá thể này hoàn toàn khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, thì lại đối diện với nguy cơ là thoái hóa nguồn gen vì sinh sản cận huyết. Việc này thường xuyên diễn ra với các loài được sinh sản trong các trang trại nuôi vì mục đích kinh tế.
Vì vậy khi tái thả phải bảo đảm mỗi cá thể cách nhau ít nhất 500m để những con cầy này ít có cơ hội gặp nhau và tự giao phối sinh sản trong tự nhiên. Việc chúng sinh sản với các cá thể ngoài tự nhiên sẽ giảm đi các nguy cơ thoái hóa nguồn gen tự nhiên.
Cuối cùng là áp lực tài chính để chăm sóc các cá thể cầy vòi mốc này. Theo nguyên tắc kiểm dịch, thì các cá thể này chỉ cần kiểm dịch trong khoảng thời gian 30 ngày là có thể thả về tự nhiên. Tuy nhiên, việc tịch thu, xử lý tang vật và hoàn thành các thủ tục hành chính đã diễn ra trong hơn 7 tháng, dẫn đến động vật cứu hộ phải nuôi nhốt lâu ngày, thường xuyên bị ức chế, đồng thời gây ra áp lực về tài chính, nhân công.
Số cầy vòi mốc này đã phải sống tại trung tâm trong 228 ngày trước khi được tái thả lại tự nhiên. Việc này đã tiêu tốn số tiền 900 triệu đồng để mua thức ăn, thuốc thú y và thuê nhân công lao động chăm sóc. Việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính để cơ quan cứu hộ có thể tái thả động vật sớm vừa giúp giảm áp lực tài chính, và lại bảo đảm các tập tính hoang dã không bị mai một đi do nuôi nhốt quá lâu ngày.
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, chủ nhân của giải thưởng Môi trường Goldman năm 2021 (giải thưởng được ví như Nobel Xanh) - cho rằng, những nỗ lực cứu hộ 100 cá thể cầy vòi mốc trên là một nỗ lực đáng ghi nhận, vừa mang lại cuộc sống mới cho những con động vật được tái thả vừa làm tăng quần thể ngoài tự nhiên.
Mặc dù vậy, ông Thái cho rằng đây không phải là một biện pháp bảo tồn hiệu quả vì chi phí quá đắt đỏ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các quần thể ngoài tự nhiên. SVW đã nỗ lực để đánh giá những nguy cơ cứu hộ động vật từ trang trại để có các biện pháp bảo tồn hiệu quả hơn.
Theo ông Thái, việc không ăn và không sử dụng những sản phẩm động vật hoang dã, kể cả từ các trang trại chăn nuôi chính là biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất, không chỉ góp phần bảo tồn động vật hoang dã ngoài tự nhiên, mà còn tránh các nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các con động vật đó.