Thứ hai 23/12/2024 04:51

Cảnh báo sớm: Chủ động phòng ngừa và ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại

Công tác cảnh báo sớm về điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động xuất khẩu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).

Đến nay, thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc về phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, cơ chế vận hành của các hoạt động cảnh báo sớm đang được thực hiện như thế nào?

Phòng vệ thương mại là biện pháp rất phổ biến được các nền kinh tế, các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thường xuyên áp dụng trong trao đổi thương mại toàn cầu. Khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng và tăng với tốc độ rất nhanh, câu hỏi đặt ra là cần phải xác định việc xử lý và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như thế nào cho có trọng tâm, trọng điểm và hỗ trợ đúng vào những ngành hàng xuất khẩu sang những thị trường có nguy cơ cao. Đây cũng là vấn đề đặt ra khi xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

Theo đó, về cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm, đầu tiên là chúng tôi sẽ phải quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào của tất cả các nước chứ không chỉ với Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có sự thu hẹp lại phạm vi và đánh giá xem trong số những mặt hàng, sản phẩm đã bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời theo dõi xem hoạt động xuất khẩu mặt hàng đó của chúng ta có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không?

Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin như vậy, hệ thống cảnh báo sớm cũng dựa thêm vào những nguồn thông tin khác mà chúng ta có được. Ví dụ như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 các thương vụ tại các thị trường xuất khẩu chính của chúng ta liên quan đến những nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của ta với hàng hóa tại thị trường sở tại.

Chúng tôi cũng thông qua hệ thống những đối tác, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để có được những thông tin tương tự rất sớm về việc liệu một mặt hàng xuất khẩu nào đó của chúng ta có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại hay không? Trên cơ sở tổng hợp tất cả những thông tin như vậy chúng tôi có đánh giá dựa trên những tiêu chí nhất định để định kỳ đưa ra danh sách những mặt hàng có nguy cơ bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại để thông báo cho các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội và kể cả các cơ quan quản lý nhà nước có sự chuẩn bị trước về tâm thế, nguồn lực để khi chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra thì chúng ta xử lý một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đối với các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Sau thời gian thực hiện, kết quả ban đầu của các hoạt động cảnh báo sớm này đã đạt được như thế nào? Đặc biệt, những hoạt động này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam giữ được lợi thế ra sao, thưa ông?

Sau khi có Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã tiến hành tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện dựa trên những tiền đề đã có về cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống này hiện đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ yếu, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Ấn Độ,...

Trong quá trình đó, chúng tôi định kỳ lọc ra những mặt hàng nào có nguy cơ cao, có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên, và đến nay thì có những mặt hàng sau khi chúng tôi đưa ra cảnh báo một thời gian thì trên thực tế một số thị trường đã tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó của chúng ta. Trên cơ sở đó, ngay lập tức chúng tôi đã thông báo cho các doanh nghiệp, tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin cũng như trao đổi trước với các doanh nghiệp, các hiệp hội về khả năng, nguy cơ xảy ra và những công việc mà các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị trước.

Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp, khi tham gia các vụ việc cần phải có sự tích cực, chủ động. Khi đó, nước nhập khẩu đã tiến hành điều tra thì họ sẽ vẫn có những kết luận ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta, nhưng mức độ tác động và ảnh hưởng được giảm thiểu đi rất nhiều. Ví dụ như trong một số vụ việc chống lẩn tránh của chúng ta, với sự tham gia tích cực và chủ động, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận. Với cơ chế này về cơ bản xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường mục tiêu đó không bị ảnh hưởng nhiều.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tận dụng nguồn thông tin về cảnh báo sớm để có thể hạn chế được những rủi ro cũng như ứng phó hiệu quả hơn đối với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài?

Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là những vụ việc trong thời gian trước đây, theo quan sát của chúng tôi, đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng bởi không phải là do chúng ta có những hành vi cạnh tranh không công bằng mà là do doanh nghiệp chưa hiểu hết được những quyền lợi, nghĩa vụ phải thực hiện. Do tâm lý e dè và ngại hợp tác, ngại cung cấp thông tin theo yêu cầu cơ quan điều tra, cũng như không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu, quy định về thời hạn. Và vì không hợp tác, không hợp tác đầy đủ nên cơ quan điều tra sử dụng những dữ liệu khác. Những dữ liệu đó thường là dữ liệu rất bất lợi cho phía doanh nghiệp xuất khẩu.

Từ thực tế đó, hệ thống cảnh báo sớm đưa ra những cảnh báo từ sớm, từ xa để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trước và trong thời gian chuẩn bị trước đó thì chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần phải làm những việc sau:

Thứ nhất, khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Các nội dung này bao gồm pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại; những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới...

Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần xác định một tâm thế là khi chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Thứ ba, khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ,… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được. Khi vụ việc xảy ra ta phải cung cấp thông tin của chúng ta, cũng có thể cơ quan điều tra sẽ sang xác minh những thông tin đó, thì sổ sách doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng.

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp, thông qua sự tập hợp của các hiệp hội, để cùng chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung. Các ngành hàng đều đã có những bước đi vậy, như nhôm, thép, thủy sản,… Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tư vấn, chia sẻ những thông tin để giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước năng lực cần thiết.

Cuối cùng, thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh của mình sao cho cân đối, hài hòa, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Một thị trường có thể nói là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp, đem lại những lợi ích rất lớn, nhưng trong bối cảnh nhiều rủi ro xảy ra phòng vệ thương mại mà không có phương án B, phương án thay thế hoặc giải pháp nào đó thì cũng sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

Xin ông cho biết, Bộ Công Thương có định hướng như thế nào trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tốt hơn trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài?

Thứ nhất, chúng tôi sẽ đã, đang và sẽ tiếp tục làm là trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, chúng tôi sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao. Chúng tôi sẽ tiếp xúc trực tiếp với các hiệp hội và phối hợp với các đơn vị của VCCI, các địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Thứ hai, đối với hệ thống cảnh báo sớm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, chúng tôi đã có kế hoạch để tiếp tục mở rộng hơn nữa, có thể cảnh báo bằng những thông tin cập nhật nhất ở các thị trường khác, ngoài những thị trường như chúng tôi đã có cảnh báo như là Hoa Kỳ, Canada hoặc Úc, sang cả những thị trường ở Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ,… sẽ có thể sẽ xuất hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về những bước, những vấn đề chúng ta phải làm để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện, Cục Phòng vệ thương mại đã xây dựng một số hướng dẫn cụ thể về những vấn đề mang tính kỹ thuật mà chúng tôi biết là các doanh nghiệp sẽ gặp phải trong quá trình tham gia các vụ việc điều tra. Ví dụ như cách thức tham gia vào vụ việc từ đầu đến cuối như thế nào, kể cả những việc rất đơn giản như là nộp hồ sơ lên cho cơ quan điều tra nước ngoài như thế nào cho đúng, cho đủ, cho hợp lệ,…

Thứ tư, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của họ và tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Nếu như có vấn đề chúng ta thấy chưa phù hợp Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ có những trao đổi bằng nhiều hình thức với phía cơ quan điều tra của nước ngoài để làm sao bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển

Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Canada khởi xướng rà soát ghế bọc đệm nhập khẩu từ Việt Nam

Canada khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc từ Việt Nam

Kính nổi xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị yêu cầu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp

Cục Phòng vệ thương mại khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc’ tại Điện Biên

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với xơ sợi staple nhân tạo từ polyester

Kinh nghiệm ứng phó điều tra phòng vệ thương mại từ ngành nhôm Việt Nam

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội ứng phó điều tra phòng vệ thương mại

Kết quả điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội

Indonesia điều tra gia hạn áp thuế tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm may mặc

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Malaysia điều tra rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội

Philippines khởi xướng điều tra tự vệ đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu

Lùi thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra chống bán phá giá ván sợi gỗ

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận đề nghị miễn trừ chống bán phá giá thép hợp kim trước ngày 1/12