Cảnh báo nước sông, hồ đang bị “bức tử” nghiêm trọng từ chất thải đô thị
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tổng kết thi hành pháp luật liên quan đến dự án Luật Quản lý phát triển đô thị gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Bộ Xây dựng phản ánh, hầu hết các đô thị vẫn chưa có hệ thống thoát nước riêng, nước mưa và nước thải chảy chung một hệ thống.
Tỷ lệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra môi trường đạt khoảng 17%. Một số ít đô thị khá cao như TP. Lào Cai đạt 40%, thị xã Sapa đạt 50%, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đạt 40,9%, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) khoảng 33,3%.
Còn lại hầu hết các đô thị nước thải chưa được xử lý do chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý.
Hầu hết các đô thị nước thải chưa được xử lý do chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý. |
Hiện nay, nước mặt ở các sông, hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm do tiếp nhận chất thải từ các hoạt động phát triển đô thị, khả năng tự làm sạch thấp, nhiều hồ đã trở thành nơi chứa nước thải của các khu vực xung quanh.
Tại nhiều đô thị, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải, nước không có sự lưu thông. Ô nhiễm nước hồ xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn (loại đặc biệt, loại I) mà tại các đô thị nhỏ hơn (cấp II, cấp III).
Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải tạo nhưng Bộ Xây dựng khẳng định ô nhiễm nước mặt tại các khu vực này vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị. Tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy.
Tại hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện, điển hình là một số sông, kênh như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh).
Ô nhiễm nước mặt đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị. |
Ở các đô thị cấp độ nhỏ hơn, chất lượng nước sông, kênh mương nội thành cũng bị suy giảm với hàm lượng các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ vượt Quy chuẩn Việt Nam. Cục bộ tại một số sông, mức độ ô nhiễm đã ở mức khá nghiêm trọng như sông Phú Lộc (Đà Nẵng), sông Bắc Hưng Hải (Hải Dương), sông Nhà Lê (TP. Thanh Hóa), kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu)...
Nhiều tuyến kênh, đoạn sông sau cải tạo, mức độ ô nhiễm đã giảm, song thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng trở lại.
Tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài, điển hình như sông Bắc Hưng Hải; sông Nhuệ - Đáy, nhất là khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Hà Nam và các đoạn sông chảy qua nội thành Hà Nội; sông Châu Giang (khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam); lưu vực sông Đồng Nai…