Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đối thoại với nông dân Hà Nội: Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp với thái độ tốt nhất, trách nhiệm cao nhất |
Cùng chủ trì đối thoại còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa. Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo sở, ngành của thành phố nhằm trực tiếp giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho hội viên nông dân…
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa đã báo cáo kết quả thực hiện Kết luận của Thường trực Thành ủy tại hội nghị Đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022.
Theo đó, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến 2024 Hà Nội đã có 526.199 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 326.110 lượt hộ đạt tiêu chuẩn, chiếm 62% so với số hội viên đăng ký. Tổ chức duy trì 206 Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở nhằm tạo diễn đàn cho nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thành lập và ra mắt “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp thành phố; chỉ đạo thành lập và ra mắt câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện tại Quốc Oai, Ba vì, Ứng Hòa, Thạch Thất...
Cùng chủ trì đối thoại còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa |
Các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến cho hơn 251.700 lượt cán bộ, hội viên nông dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 53.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân...
Vận động, hướng dẫn thành lập mới được 792 tổ hợp tác với hơn 6.680 thành viên và 59 hợp tác xã với hơn 1.060 thành viên; hướng dẫn thành lập được 27 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, nhân cấy nghề cho hơn 12.200 hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phát triển nghề tiểu tủ công nghiệp.
Hội đã ký kết, triển khai thỏa thuận hợp tác với Bưu điện Thành phố (năm 2022), VNPT thành phố (năm 2023), tổ chức đưa 1.871 sản phẩm OCOP và 54 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Duy trì và thành lập mới các điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với 67 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm... Năm 2023 và 2024 Hội đã kết nạp được 19.175 hội viên, nâng tổng số hội viên của thành phố là 447.449 hội viên. Công tác xây dựng, quản lý quỹ Hội được tiếp tục triển khai hiệu quả. Tổng nguồn quỹ Hội đến nay đạt hơn 74 tỷ đồng.
Về kết quả xây dựng, cụ thể hóa các Đề án, Hội Nông dân thành phố đã cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo và tổ chức ký kết, triển khai các Chương trình phối hợp với các sở, ngành giai đoạn 2023-2028. Ví như, đã cụ thể hóa Đề án “Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023- 2028” thông qua việc xây dựng và ban hành Chương trình số 15-Ctr/HNDT về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nhiệm kỳ 2023-2028”.
Hay như với Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm giai đoạn 2023-2028”, Hội đã cụ thể hóa các nội dung thực hiện trong Chương trình phối hợp hoạt động với Sở NN&PTNT giai đoạn 2023-2028. Đối với Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân giai đoạn 2023- 2025”, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý từ các sở, ngành liên quan, báo cáo và đang trình UBND thành phố phê duyệt…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền điều hành phần đối thoại giữa hội viên, cán bộ Hội nông dân |
Điều hành phần đối thoại giữa hội viên, cán bộ Hội nông dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để chuẩn bị cho buổi đối thoại, Ban Thường vụ Hội Nông dân đã nhận được tổng cộng 68 câu hỏi, ý kiến, kiến nghị, đề xuất, trong đó có một số ý kiến trùng hợp, qua tổng hợp còn 35 ý kiến, kiến nghị thuộc 6 nhóm vấn đề liên quan đến chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách về đất đai; cơ chế chính sách về môi trường, an toàn thực phẩm; cơ chế hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác; hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân…
Liên quan đến các câu hỏi của nông dân đối với từng lĩnh vực, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TM và MT, Sở Công Thương… đã giải đáp cụ thể. Với câu hỏi liên quan đến xúc tiến tạo đầu ra cho sản phẩm, theo ông Nguyễn Xuân Đại: Năm 2023 lần đầu tiên Hà Nội đã xuất khẩu nông sản đạt 1 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 thống kê cho thấy sản phẩm nông nghiệp của thành phố xuất khẩu được hơn 800 triệu USD.
Với đà này, chắc chắn năm 2024 Hà Nội sẽ xuất khẩu vượt kết quả năm 2023. Ngoài sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề cũng xuất khẩu khá tốt. Thành phố đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với các tổ chức quốc tế đưa 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng vào mạng lưới các làng nghề thủ công mỹ nghệ thế giới, mở ra hướng đi cho xuất khẩu sản phẩm.
Về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, một số ý kiến hội viên nông dân cho rằng còn thấp và đề nghị cần nâng mức hỗ trợ thêm, ông Nguyễn Xuân Đại đồng tình và cho rằng đúng là hiện nay nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do vướng các quy định của trung ương.
Hiện nay, Luật Thủ đô, thành phố đã đưa vào rất nhiều các chính sách đặc thù để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp cao hơn so với quy định của trung ương. Đối với hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, ông Đại cho rằng: Theo Quyết định số 07 về hỗ trợ của thành phố hiện đang thấp. Mới đây, thiệt hại do cơn bão số 3 rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được điều này, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thêm ngay sau bão.
Trong đó, thành phố đã có hỗ trợ thêm cho cây vụ đông với hơn 213 tỷ đồng. Nhờ vậy, diện tích cây vụ đông đã tăng hơn 4000 ha (các năm trước chỉ hơn 20.000 ha) để giúp nông dân bù đắp thiệt hại. Sau đó, thành phố tiếp tục xây dựng phương án hỗ trợ một số vật nuôi đặc thù với kinh phí trước mắt là 46 tỷ đồng…
Về câu hỏi liên quan đến luật đất đai, cho phép xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng sau khi Luật đất đai ban hành đã cho phép xây dựng các công trình trên đất, tuy nhiên có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Hà Nội cũng có diện tích đất bãi rất lớn với hơn 29.000 ha theo chủ trương, Hà Nội là Thủ đô nên định hướng sẽ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để phát triển du lịch và giữ bản sắc văn hóa, tạo sự khác biệt. Vùng bãi nhiều tiềm năng nhưng bị bó buộc xây dựng các công trình trên đất.
Trên cơ sở Luật Thủ đô, hiện thành phố đang giao Sở NN&PTNT xin ý kiến các sở, ngành trình thành phố xem xét đầu năm 2025 để tháo gỡ, khai thác hiệu quả vùng đất bãi, xây dựng các công trình trên đất với những quy định rất cụ thể…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại, không nằm ngoài xu thế này |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần sỹ Thanh khẳng định: Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại, không nằm ngoài xu thế này. Theo ông, cần xây dựng một giai cấp nông dân Hà Nội mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô.
Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng nông dân thủ đô khác biệt về tư duy và nhận thức. “Xưa chúng ta vẫn có suy nghĩ là nông dân nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô mà còn hướng tới thị trường toàn cầu” - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng cho biết: Định hướng của thành phố đến năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí và làm sạch môi trường, đặc biệt là các con sông. Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương liệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết “thổi hồn” vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề.
Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu “made in Ha Noi”. Nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, không còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng," mà phải "rau một luống, lợn một chuồng," đồng thời giảm thiểu phát thải môi trường, từ đó xây dựng thương hiệu nông nghiệp và làng nghề đặc trưng của Hà Nội. “Nông dân Hà Nội có làm được không? Dứt khoát việc đó phải làm được” - Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ tin tưởng.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Trong đó, phải làm tốt công tác quy hoạch và sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch không để cung vượt cầu. Các cấp Hội nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để hỗ trợ nông dân. "Những việc này rất khó, với nhiều thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, không vì khó mà đùn đẩy trách nhiệm, thay vào đó cần có hành động cụ thể," Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố hứa sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng hợp lý, hợp tình để hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp hội vươn lên. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả như "bà đỡ," nhưng sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân...