Căng thẳng Biển Đỏ tác động đến dòng chảy năng lượng ra sao?
Chi phí logistics tăng vọt
Theo hãng tin Reuters, giá cước vận tải container đang tăng mạnh khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ đã buộc các hãng vận tải khổng lồ phải gửi tàu đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở miền nam châu Phi.
Dữ liệu được theo dõi bởi thị trường vận chuyển quốc tế Freightos cho thấy, giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 4.000 USD/container 40 feet trong tuần này, trong khi giá vận chuyển từ châu Á đến Địa Trung Hải đã tăng lên 5.175 USD.
Giá cước vận chuyển cao đột biến không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, mà còn tiềm ẩn tác động lạm phát khi hàng hóa không chỉ đắt đỏ hơn mà thời gian vận chuyển cũng lâu hơn.
Trước tình hình đó, nhiều công ty đang buộc phải cho tàu đi vòng quanh mũi Hảo Vọng phía Nam châu Phi, kéo dài hành trình thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%. Theo đó, khoảng 12 công ty vận tải biển đã đình chỉ hoạt động qua Biển Đỏ, trong đó có các hãng lớn nhất thế giới như: MSC (Italy), CMA CGM (Pháp) hay Maersk (Đan Mạch).
Căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu |
Đồng thời, nhiều biện pháp bảo vệ hơn đã được yêu cầu cho những thủy thủ đi biển, đồng nghĩa với các hóa đơn bảo hiểm cao hơn dành cho các nhà khai thác.
Theo ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, một số hãng vận tải đã công bố mức giá trên 6.000 USD/container 40 feet cho các chuyến hàng Địa Trung Hải bắt đầu từ giữa tháng và phụ phí từ 500 USD đến 2.700 USD/container có thể khiến giá trọn gói thậm chí còn cao hơn.
“Giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông Bắc Mỹ đã tăng 55% lên 3.900 USD/container 40 feet, trong khi giá cước Bờ Tây tăng 63% lên hơn 2.700 USD trước những chuyển hướng hàng hóa dự kiến để tránh các vấn đề liên quan đến Biển Đỏ”, ông Levine chỉ ra.
Sự tăng vọt đột ngột cước vận tải đường biển và các chi phí khác làm các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ lạm phát hàng hóa quay trở lại. Giới chuyên gia cho rằng, các công ty logistics cảnh báo áp lực lạm phát sẽ được người tiêu dùng cảm nhận sau một tháng kể từ khi giá cước trở nên đắt đỏ.
“Những sự gián đoạn này đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, dẫn đến giá cước tăng. Khi chuỗi cung ứng bắt đầu bình thường hóa trở lại, áp lực gia tăng từ những chi phí bổ sung và sự chậm trễ này có thể có tác động đáng kể”, ông Jon Gold, Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn bán lẻ Mỹ nhận định.
Dòng chảy năng lượng bị ảnh hưởng
Theo các báo cáo, trong nửa đầu năm 2023, dầu thô đi về phía bắc chảy qua kênh đào Suez và đường ống SUMED (được đặt tại Ai Cập và nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải) đã tăng hơn 60% so với năm 2020, do nhu cầu ở châu Âu và Mỹ tăng trở lại từ sau đại dịch.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Nga bắt đầu vào đầu năm 2022 đã thay đổi mô hình thương mại toàn cầu, khiến châu Âu phải nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Trung Đông thông qua kênh đào Suez và đường ống SUMED và nhập khẩu ít dầu hơn từ Nga.
Các chuyến hàng đi về phía Nam qua kênh đào Suez đã tăng đáng kể từ năm 2021 đến năm 2023, phần lớn là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Xuất khẩu dầu từ Nga chiếm 74% lưu lượng dầu đi về phía nam Suez trong nửa đầu năm 2023, tăng từ 30% vào năm 2021.
Phí bảo hiểm rủi ro xung đột cho các chuyến tàu qua Biển Đỏ đã tăng gấp 5 lần |
Theo ông Stephen Gordon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng Clarksons, hàng hóa từ châu Á sang châu Âu nếu phải chạy vòng qua mũi Hảo Vọng thay vì qua kênh đào Suez như thông thường sẽ mất thêm 9 ngày, từ 31 ngày lên 40 ngày. Còn tàu chở dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ mất gấp đôi thời gian vận chuyển, khiến mỗi chuyến hàng đội thêm chi phí hàng triệu USD.
Trong khi đó, những người tham gia thị trường LNG tin rằng thương mại LNG có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ không có tác động lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản (JGA) ông Takahiro Honjo nhận định mặc dù có những rủi ro nhưng “tôi không nghĩ rằng khủng hoảng nguồn cung sẽ đột ngột xảy ra sớm”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng mọi thứ có thể leo thang đáng kể nếu Houthi tiếp tục các cuộc tấn công. Phí bảo hiểm và giá các sản phẩm dầu khí dự kiến sẽ tăng nếu xung đột không được giải quyết. Một nguồn tin vận chuyển giấu tên cho biết, phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD do sự gián đoạn vận tải trên Biển Đỏ.
Đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ tác động đến ngành năng lượng, vận tải đường biển, mà còn ảnh hưởng lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nền kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ai Cập sẽ là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, khi nguồn thu 10 tỷ USD từ kênh đào Suez sẽ bị sụt giảm do tàu hàng giảm qua lại trên Biển Đỏ.
Tiếp đến là những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa qua châu Âu qua kênh Suez.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ - đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất, gặp thách thức. Theo tính toán, một tàu dầu từ cảng Novorossiysk (Nga) trên Biển Đen đến Ấn Độ mất khoảng 18 ngày khi qua kênh Suez và eo Bab al-Mandeb, nhưng sẽ mất 50 ngày nếu qua mũi Hảo Vọng.
Trong số các hàng hóa bị ảnh hưởng, dầu chiếm phần lớn. Khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb (một tuyến đường thủy hẹp dẫn vào Biển Đỏ và dẫn tới kênh đào Suez), chủ yếu hướng tới châu Âu. “Các mặt hàng khác chịu chi phí tăng sẽ là ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp”, các chuyên gia cảnh báo.
Theo Công ty phân tích Vortexa, trong 9 tháng đầu năm ngoái, trung bình mỗi ngày có khoảng 8,2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu đi qua Biển Đỏ. Ước tính khoảng 12% thương mại toàn cầu, trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, được vận chuyển qua Biển Đỏ mỗi năm.
Ông Simon Heaney, Giám đốc cấp cao của công ty tư vấn hàng hải Drewry, nhận xét: “Tác động của căng thẳng Biển Đỏ sẽ làm thời gian vận chuyển kéo dài hơn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, cần nhiều tàu hơn, có thể bị gián đoạn và chậm trễ - ít nhất là đối với những chuyến hàng đến châu Âu đầu tiên”. Theo ước tính từ nền tảng vận chuyển hàng hóa Xeneta, hành trình dài hơn sẽ tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu. Nhiều khả năng các nhà bán lẻ và công ty sản xuất sẽ chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. |