Chuyên gia Nga hé lộ bí mật về tên lửa đạn đạo mới
Tờ báo Komsomolskaya Pravda dẫn lời chuyên gia quân sự Viktor Baranets, cho rằng có ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau tên gọi của tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik. Trong tiếng Nga, Oreshnik nghĩa là hạt phỉ. Quả phỉ thường mọc dày trên cây phỉ vào mùa thu, có nhiều cụm hạt trong quả. Tương tự, theo ông Baranets, tên lửa Oreshnik cũng có nhiều “cụm” đầu đạn, từ 3 đến 6 đầu đạn, và thay vì hạt phỉ, Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga Viktor Baranets đã hé lộ một số bí mật liên quan đến tên lửa Oreshnik mới. Ảnh: kp.ru |
Trước đó, trong bài phát biểu trước công chúng vào ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quân đội nước này vừa phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung hiện đại, có tên là Oreshnik nhằm vào một mục tiêu ở Ukraine. Tổng thống Nga cho biết thêm, tên lửa siêu thanh đã tấn công thành công một cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnipro ở Ukraine.
Theo ông Baranets, tầm bay của tên lửa Oreshnik là từ 1.000 đến 5.500 km và có thể bay nhanh hơn vận tốc âm thanh gấp nhiều lần. Ông Baranets cũng cho rằng, các tên lửa cùng loại với Oreshnik từ lâu đã bay với tốc độ 10-12 Mach, hoặc thậm chí còn nhanh hơn và không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có thể bắn hạ chúng.
Ông Baranets chia sẻ, Oreshnik có thể là phiên bản kế thừa của tên lửa Pioneer (RSD-10) của Liên Xô. Tên lửa này đã bị tiêu hủy sau khi Liên Xô ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 1987. Sau khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Mỹ rằng, nếu tên lửa của nước này xuất hiện ở Đức, Nga sẽ triển khai các hệ thống tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất của riêng mình.
Ông Baranets đã ngụ ý rằng, tên lửa Oreshnik được lắp ráp từ bản thiết kế tên lửa Pioneer. Được biết, tên lửa Pioneer có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5 nghìn km, và có thể đến bất kỳ điểm nào ở châu Âu. Chuyên gia quân sự cũng nhận định, tên lửa này là “một tay bắn tỉa”, với độ lệch mục tiêu chỉ là 50 mét.
Còn theo The War Zone, tên lửa Oreshnik thuộc loại tên lửa RS-26. Đây là tên lửa nhiên liệu rắn, cơ động trên đường bộ, trước đây được mô tả là phiên bản nhỏ hơn của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars, mặc dù mối quan hệ giữa 2 tên lửa này là chưa rõ ràng.
Theo The War Zone, việc phát triển RS-26 bắt đầu vào khoảng năm 2008 bởi Viện Công nghệ nhiệt Moscow. Tên lửa được cho là dài khoảng 12m và có đường kính chỉ dưới 2m.
Tên lửa RS-26 đã được phóng lần đầu tiên tại Plesetsk vào tháng 9/2011, nhưng không thành công. Trong lần thử nghiệm thứ 2 vào tháng 5/2012, Nga đã chứng minh rằng, RS-26 có thể đạt tầm bắn liên lục địa, mặc dù nhiều người cho rằng điều này chỉ đạt được với tải trọng nhẹ. Theo War Zone, các cuộc thử nghiệm sau đó cho thấy, rõ ràng tên lửa không thể bay vượt quá tầm trung với đầu đạn thực tế, điều này sẽ vi phạm INF nếu được đưa vào hoạt động trước năm 2019.
Quan chức quân đội Anh tuyên bố sẵn sàng đối đầu với Nga
Tờ Politico dẫn lời ông Rob Magowan, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh, phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh: "Nếu Nga leo thang xung đột với Đông Âu trong đêm nay, chúng ta sẽ gặp họ trong cuộc chiến đó".
Những bình luận gây sốc trên được đưa ra khi các nghị sĩ Anh hỏi ông Magowan hôm 21/11, rằng, có bao nhiêu lữ đoàn Anh có thể đến được phần lãnh thổ phía đông của NATO, trong trường hợp Nga leo thang xung đột.
Gần đây, các thành viên NATO tại Đông Âu, bao gồm Latvia và Estonia, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự tiến triển của quân đội Nga tại Ukraine, trong khi Phần Lan đã ra cảnh báo về sự phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Quy tắc của NATO quy định rằng, một cuộc tấn công vào một thành viên trong khối được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.
Bất chấp lời lẽ “cứng rắn” của ông Magowan, vẫn còn những lo ngại về khả năng quân sự của Vương quốc Anh trong trường hợp căng thẳng leo thang ở châu Âu.
Theo Politicio, Lục quân Anh đang ở quy mô nhỏ nhất kể từ những năm 1700. Chỉ trong tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã chia sẻ với trang báo này rằng, tình trạng của các lực lượng vũ trang đã "tệ hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ" sau khi Công Đảng lên nắm quyền sau cuộc bầu cử vào mùa hè.
Ông Healey cũng ra tuyên bố vào chiều 20/11 (giờ địa phương), rằng Vương quốc Anh sẽ cắt giảm 5 tàu chiến cũng như 12 trực thăng và máy bay không người lái quân sự như một phần của chương trình cắt giảm chi phí. Tuy vậy, Phó Tổng Tham mưu trưởng Magowan đã nói với các nghị sĩ Anh rằng, lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh có "một loạt các rủi ro, nhưng cũng có một loạt sức mạnh trong các hoạt động quân sự" và cho biết, ông đã từng nói về việc quân đội Anh cần "sức sát thương cao hơn".
Bài phát biểu của ông Magowan diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố, quân đội nước này đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đối với pháo tự hành Archer Mobile Howitzer - hệ thống pháo được thiết kế để triển khai nhanh chóng. Cuộc thử nghiệm đã diễn ra trong chương trình huấn luyện 12 của NATO tại Phần Lan vào tháng 11.
Israel không kích trụ sở Hezbollah, Lebanon đáp trả trong đêm
Tờ Times of Israel dẫn lời quan chức Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 22/11, cho biết loạt 5 quả rocket đã được bắn từ Lebanon, khiến còi báo động ở khu vực Haifa vang lên. Quân đội đã chặn được một số quả rocket. Không có báo cáo nào về thương vong hoặc thiệt hại ngay sau tuyên bố.
Một ngày trước đó, IDF đã tuyên bố không quân nước này đã hoàn thành 4 đợt tập kích vào khu vực ngoại ô phía Nam Thủ đô Beirut của Lebanon, phá hủy nhiều mục tiêu của phong trào Hezbollah, trong đó, có một kho chứa vũ khí, một phòng chỉ huy và một cấu trúc quân sự. Trước các cuộc tấn công, IDF đều ban cảnh báo yêu cầu cư dân sinh sống gần khu vực mục tiêu sơ tán để đảm bảo an toàn.
Ngoài Thủ đô Beirut, không quân Israel cũng đánh bom nhiều mục tiêu ở thung lũng Beqaa, phía Đông Lebanon. Không quân Israel mở lại các cuộc tập kích vào Thủ đô Lebanon chỉ vài giờ sau khi Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Amos Hochstein rời quốc gia A rập để đến Israel nhằm tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa IDF và Hezbollah.
Trong hai ngày ở Lebanon (19-20/11), Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein có hai cuộc gặp liên tiếp với Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri – đại diện chính thức của Phong trào Hezbollah. Sau các cuộc gặp, quan chức Mỹ nhận định cơ hội tiến tới thỏa thuận ngừng bắn là có thật, đồng thời cam kết sẽ tiến hành thêm nỗ lực để đạt được thỏa thuận.
Tại Israel, Đặc phái viên Hochstein được thông báo là đã có hàng loạt cuộc thảo luận với giới chức Israel, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz và Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi. Trước đó, trong đêm 20/11, ông Amos Hochstein cũng đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Ron Dermer.
Tuy nhiên, kết quả cụ thể các cuộc thương thảo chưa được công bố. Theo đó, giới chức Israel tiếp tục chưa đưa ra lập trường chính thức và rõ ràng của nước này đối với đề xuất ngừng bắn do Mỹ xây dựng, trong khi cả Chính phủ Lebanon và lực lượng Hezbollah đều đã phản hồi tích cực với thỏa thuận.