Cảng chuyên dụng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: Vì sao chậm tiến độ?
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang trong giai đoạn xây dựng |
Bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân thôn Đông Tiến, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phải giải tỏa để xây dựng cảng chuyên dụng thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện 2. Bến hình thành tự phát từ những năm 1964, ban đầu chỉ có vài phương tiện khai thác nhỏ lẻ của ngư dân thôn Đông Tiến và tàu thu mua thủy, hải sản của Trạm chế biến thủy, hải sản Đông Tiến (Công ty hải sản Thái Bình). Sau 51 năm, đến nay, bến đã có 47 tàu, thuyền của ngư dân thôn Đông Tiến thường xuyên neo đậu. Cần phải nói thêm, bến nằm sát chân đê biển số 7 thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy và cũng là khu vực dân cư thôn Đông Tiến cư trú, sinh sống. Ngư dân ở đây đã tận dụng mái kè Giáo Lạc do nhà nước đầu tư xây dựng để bảo vệ đê điều, không đúng với Luật Đê điều.
Xét về lý, nhà nước có quyền giải tỏa, thu hồi để phục vụ cho công trình quốc gia và bảo vệ đê điều theo Luật Đê điều. Song, để bảo đảm cuộc sống cho ngư dân ở đây, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt dự án xây dựng bến neo đậu mới, cách bến cũ 1km, hiện đại hơn, vốn đầu tư xấp xỉ 15 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của bến neo đậu mới đã cơ bản hoàn tất, các hạng mục đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ ngày 11/9/2014.
Song, khi chính quyền địa phương yêu cầu các tàu, thuyền di chuyển về bến mới để neo đậu thì ngư dân không chịu đi và đưa ra 9 kiến nghị, tập trung vào một số vấn đề: Bến mới xa nơi cư trú, đi lại vất vả; một số tiểu hạng mục chưa phù hợp, chưa có cọc tiêu, điện sáng; đề nghị bồi thường thiệt hại sau khi di dời ra bến mới cho các tàu, thuyền ít nhất 1 năm, tổng thiệt hại là 8.412.500.000 đồng.
Các cơ quan chuyên môn đã xem xét kiến nghị của ngư dân và khẳng định: Không có tính pháp lý. Mặc dù đã giải thích nhiều lần, song ngư dân vẫn kiến nghị.
Ngày 10/10/2014, sau khi các hạng mục giai đoạn 1 đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng, ngư dân tiếp tục kiến nghị, trong đó những nội dung liên quan đến việc đầu tư các hạng mục của bến mới và hỗ trợ kinh phí “do bến xa”, mức hỗ trợ 1 năm là 799.800.000 đồng.
Để bảo đảm cuộc sống cho ngư dân nơi đây, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt dự án xây dựng bến neo đậu mới, cách bến cũ 1 km, hiện đại hơn với vốn đầu tư xấp xỉ 15 tỷ đồng. |
Để giải quyết các kiến nghị của ngư dân và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, ngày 20/3/2015, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 527 chấp thuận 8 nội dung kiến nghị của ngư dân gồm: Xây tuyến kè nối dài, nhà quản lý bến, sân, hệ thống cọc tiêu, điện chiếu sáng, san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước, đoạn đường nối dài, sân sửa chữa tàu, thuyền, đường lên, xuống bến đò Hải Đô...
Riêng kiến nghị “bồi thường” do không nằm trong các quy định của pháp luật, nên UBND tỉnh Thái Bình đồng ý “hỗ trợ” các chủ phương tiện kinh phí di chuyển đến bến mới với mức 3 triệu đồng/phương tiện (Công văn 564 ngày 3/3/2015).
Như vậy, cả lý (bến neo đậu tàu, thuyền cũ phải giải tỏa để xây dựng dự án quốc gia) lẫn tình (vì cuộc sống mưu sinh của ngư dân) đều đã được UBND tỉnh Thái Bình vận dụng xử lý, không có lý do gì ngư dân thôn Đông Tiến không di chuyển tàu, thuyền đến bến mới. Vấn đề còn lại là Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để ngư dân nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trước lợi ích quốc gia.