Nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hiệu quả, vì sao?
Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) dài 1.450 km, đi qua 4 quốc gia, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar, qua Thái Lan, Lào và kết thúc tại thành phố Đà Nẵng (trên lãnh thổ Việt Nam).
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, sau 25 năm hình thành, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa phát triển tương xứng |
Ông Nguyễn Công Bằng – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sau 25 năm hình thành, Hành lang kinh tế Đông – Tây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra. Một trong những cản trở lớn của điều này đó là xuất phát điểm kinh tế địa phương trên hành lang còn thấp, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới trên hành lang.
Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại Đà Nẵng – ông Dương Tiến Lâm cho biết, thực tế hoạt động logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây còn chưa hiệu quả. Mới chỉ có 2 tuyến vận tải thường xuyên đó là chặng Mukdahan (Thái Lan) – Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam) – Đông Hà; và chặng Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam) – Đông Hà – Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân lớn khi các tuyến vận tải trên hành lang qua Việt Nam còn kém hiệu quả đó là thời gian để làm thủ tục, vận chuyển hàng hóa còn quá lâu; quy định tờ khai hải quan ở mỗi quốc gia mỗi khác, chưa áp dụng được tờ khai hải quan chung của ASEAN. “Thực tế một lô hàng đi từ thành phố Đà Nẵng đến Yangoon (Myanmar) mất tới 28 ngày, làm giảm giá trị của hàng hóa”, ông Lâm viện dẫn.
Ông Dương Tiến Lâm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây chưa hiệu quả |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn, các địa phương trên hành lang kinh tế Đông – Tây vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển. Do đó, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics.
Cần xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics tuyến hành lang kinh tế Đông Tây
Trước những bất cập này, tại Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 4/8, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy hoạt động dịch vụ logistics trên tuyến phát triển.
Trong đó, đáng lưu ý đó là đề xuất cần có chính sách thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo ông Nguyễn Công Bằng – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phát nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logicstics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp với UBND các địa phương trên tuyến trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics |
Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng cần phát triển được một số doanh nghiêp logistics chủ lực tại khu vực, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển nhằm đảo bảo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Công Thương và các Bộ ngành hỗ trợ các địa phương nằm trên EWEC về phía Việt Nam nâng cao năng lực cán bộ các địa phương về quản lý dịch vụ logistics; xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai một số hoạt động phát triển logistics.
Đại diện Bộ Công Thương tham dự Diễn đàn, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển. Bên cạnh đó, đối với thành phố Đà Nẵng – điểm cuối của tuyến hàng lang, phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức. “Về phía Bộ Công Thương, với vai trò cơ quan đầu mối phát triển logistics quốc gia, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics”, ông Hải nói.
Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đồng ý với quan điểm cần phải thành lập được ban chỉ đạo liên ngành, phải hình thành được cơ chế phối hợp liên vùng trong tuyến để phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trên tuyến hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics |
Thành phố Đà Nẵng phải là đơn vị chủ lực thúc đẩy dịch vụ logistics trên tuyến hành lang
Để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hàng lang kinh tế Đông – Tây, theo các chuyên gia, nhà quản lý cần có sự phối hợp của các địa phương. Điều này phải được thể hiện thông qua những văn bản, cơ chế phối hợp cụ thể.
Ông Trịnh Thế Cường – Giám đốc cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho rằng để những đề xuất, giải pháp đi vào thực tiễn cần phải thành lập ban chỉ đạo liên ngành, có cơ chế chính sách để làm cơ sở thúc đẩy dịch vụ logistics trên tuyến phát triển.
Theo đại diện Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, giữa các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây phải hình thành được cơ chế phối hợp liên Vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng các tỉnh, thành phố trên hàng lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, xác định thành phố Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics chất lượng cao.
Để đảm nhận được vai trò này, theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thành phố Đà Nẵng phải tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistic vào “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, đồng thời dành quỹ đất để phát triển hạ tầng và trung tâm logistics. Đẩy nhanh xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như Cảng Liên Chiểu, ga hàng hóa Kim Liên, … Hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao…