Cẩn trọng với tư vấn nghề nghiệp trên mạng xã hội
Chỉ cần gõ từ “chọn ngành học”, “đại học đừng học đại”, “Ra trường làm gì?”... sẽ xuất hiện rất nhiều tương tác của phụ huynh, học sinh trên các nền tảng mạng xã hội về định hướng nghề nghiệp, ngành học. Bên cạnh những tư vấn tốt, có định hướng, còn không ít tư vấn gây hoang mang, có cái nhìn lệch lạc, nguy hiểm cho học sinh.
Để lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần tìm được ra sở trường, đam mê, xem dự báo xu hướng việc làm tương lai từ các nguồn chính thống |
Ví dụ trên một nhóm facebook có thí sinh thắc mắc “Em không thực sự thích ngành nào chỉ muốn sau học ra trường có công việc ổn định thì theo anh chị nên chọn ngành nào ạ”, đã nhận được rất nhiều bình luận như: “Đi học ngoại ngữ, có ngoại ngữ là có lương cao, sau rồi đi học gì thêm thì tính sau”; “Phân lô bán đất muôn đời thịnh/Luyện kim bán dẫn vạn kiếp suy"; “Học công nghệ bán dẫn nha bạn, học xong 100% có việc ngay và luôn. Lương khởi điểm trên 10 triệu có kinh nghiệm nghìn đô chuyện Bth (bình thường)”; “Kế toán nhé, ra trường làm trưởng phòng luôn không lo nghĩ về mức lương”...
Những kiểu tư vấn như thế này rõ ràng lệch lạc, phiến diện, khiến không ít học sinh bối rối, trong khi đây là thời gian cao điểm chọn trường, chọn ngành để theo học, với mong muốn sau này có công việc phù hợp. Đáng lo ngại hơn, không ít thí sinh lớp 12 lại xem các bình luận này như nguồn tham khảo trong việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành học trong tương lai.
Trước những tư vấn ngành học tương tự như đã nêu ở trên, đại diện phòng tuyển sinh một trường đại học ở Hà Nội lo ngại, chỉ cần một thông tin không đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong giai đoạn các thí sinh đang lựa chọn đăng ký ngành học, xác định mục tiêu vào đại học. Tuy nhiên cũng không dễ dàng khuyên thí sinh lựa chọn hướng nào. Các em hãy nghiên cứu thật kỹ xem mình hợp ngành nào để đưa ra lựa chọn. Xu hướng ngành nghề cũng theo giai đoạn. Cách đây 5 năm, ngành du lịch rất hot nhưng dịch khi đại dịch Covid-19 thì ngành này bị gián đoạn. Vì vậy, hãy chọn ngành học mình thích, vì chỉ ngành mình thích mới hứng thú học và học tốt nhất.
Có ý kiến cho rằng, không ngành học nào là vô dụng. Mọi kiến thức học được ở đại học, cao đẳng hay trung tâm dạy nghề đều ít nhiều phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Ngoài việc học kiến thức, học nghề, các bạn trẻ cần có thêm kiến thức về vốn sống.
Để chọn ngành phù hợp, đam mê để theo đuổi, các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần tìm hiểu thông tin đa chiều như: Chương trình đào tạo, học phí, học bổng, hoạt động hỗ trợ người học, ký túc xá, cơ hội nghề nghiệp… Đáng chú ý, mỗi học sinh cần suy xét thấu đáo để nhận biết bản thân một cách đầy đủ, đúng nhất. Mình cần gì, phù hợp với nghề, ngành, trường học nào?
Một lần nữa, giới chuyên gia giáo dục cho rằng, phụ huynh và thí sinh cần tỉnh táo, phân tích kỹ, tham vấn trước khi quyết định và không “lung lay” trước các “tư vấn” thiếu tin cậy trên mạng xã hội. Để lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần tìm được ra sở trường, đam mê, xem dự báo xu hướng việc làm tương lai từ các nguồn chính thống.
Chia sẻ trong một chương trình đối thoại tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh mùa tuyển sinh năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo – lưu ý: Tất cả nguyện vọng đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu không nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
This browser does not support the video element.
Trong đào tạo đại học hiện nay cũng đã hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho người học một nền tảng rộng và phương pháp làm việc, phương pháp tự học để học tập suốt đời. Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất giúp các em phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chúng ta học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề.
Thực tế tại Việt Nam, tính chung trong tất cả các ngành đào tạo, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành khoảng 21,43%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ tới 60%.
Các chuyên gia giáo dục chỉ ra những nguyên tắc cơ bản giúp thí sinh định hướng lựa chọn ngành nghề: Hãy liệt kê những ngành nghề bản thân biết và hứng thú; tìm hiểu yêu cầu của từng ngành nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…); xác định ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào. Lập danh sách ưu tiên các trường công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh, uy tín, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo (gần nhà, xa nhà). |