Cần thay đổi đột phá về thể chế
Dịch Covid-19 đã quay trở lại ở nhiều địa phương và có thể còn diễn biến phức tạp; mục tiêu phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Theo ông, cần xác định giải pháp trọng tâm nào trong tình hình hiện nay ?
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công |
Ở Việt Nam, rõ ràng chúng ta lạc quan tương đối sau khi chấm dứt được đợt dịch lần thứ 1; khi đó hoạt động kinh tế chưa mở ra bên ngoài, nhưng chúng ta có nhiều cơ sở để kỳ vọng kinh tế trong nước phục hồi.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, mặc dù dịch chưa bùng phát như trước và giãn cách xã hội cũng ở mức khoanh vùng, song tâm lý của người dân, người tiêu dùng vẫn có sự lo ngại dẫn đến tiêu dùng hạn chế… Tăng trưởng kinh tế chắc chắn thấp. Khi cầu giảm sút, phải duy trì hoặc thúc đẩy tăng cầu trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn... Như vậy, những ngành nghề, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới có thể xuất hiện và phát triển được. Do đó, tại thời điểm hiện nay, cần thay đổi đột phá về thể chế.
TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Cần phải thay đổi, giải quyết một vài điểm nghẽn. Đơn cử, Quốc hội không cần phân bổ vốn cho từng ngành, từng địa phương, chỉ giám sát hiệu quả sử dụng, còn việc phân bổ do Chính phủ tự quyết định. Quốc hội cũng không cần quyết định hình thức đầu tư của từng dự án, dù dự án lớn hay nhỏ, hãy để Chính phủ, Bộ trưởng quyết định. Hiện nay, quyết định chồng quyết định, thủ tục đang chồng thủ tục, muốn làm dự án phải quay 4 - 5 vòng thủ tục.
Trong vấn đề cải cách, điều gì là quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thưa ông ?
Trước hết là đầu tư công, gia hạn, giãn nộp thuế…, cần bổ sung thêm những gói hỗ trợ cần thiết, sau đó triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt bằng những công cụ, cách thức sáng tạo...
Trong bối cảnh hiện nay, cần tính lại kịch bản tăng trưởng, trong đó nhấn mạnh đến phục hồi kinh tế. Hiện nay, thu ngân sách nhà nước đang tính toán trên mức tăng trưởng 6,8%. Rõ ràng, con số này không thể thực hiện được. Nguồn thu không có, nguồn chi ít nhất không đổi, thậm chí tăng lên, như vậy bội chi sẽ rất lớn. Trong khi đó, chúng ta lại cần thêm nguồn lực để thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ DN, phải đi vay thêm, điều này khiến bội chi sẽ gia tăng. Do đó, phải thay đổi chỉ tiêu thâm hụt ngân sách để huy động được nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, chỉ tiêu trần nợ công. Đây là những việc cần làm ngay để xác định được trọng tâm hỗ trợ thời gian tới.
Ông vừa đề cập đến đột phá thể chế, vậy theo ông, sự đột phá sẽ bắt đầu từ đâu ?
Trong thời gian vừa qua, chúng ta chọn đột phá thể chế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, đây không phải là yếu tố mang tính trụ cột.
Tôi cho rằng, trụ cột phải là thiết lập và trọng tâm nên đặt vào hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật, phát triển và thúc đẩy phát triển thị trường nhân tố sản xuất gồm: Vốn; đất đai (đặc biệt quyền sử dụng đất nông nghiệp); lao động; khoa học - công nghệ và các tài sản công. Trong đó, đặc biệt coi trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp và phải coi đây là một loại tài sản không chỉ là công cụ sản xuất, đây là cách thức tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Cải cách thể chế là một trụ cột trong cải cách chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam, thậm chí trong 10 năm trở lại đây, chúng ta vẫn chọn đây là khâu đột phá trong cải cách. Trên thế giới, kinh nghiệm cho thấy rằng, chất lượng của thể chế gắn chặt với tốc độ tăng trưởng và mức độ thịnh vượng của xã hội. Do đó, nâng cao chất lượng thể chế là điều hết sức quan trọng và thể chế đó phải của nền kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn ông!