Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đừng để "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" Tận dụng lợi thế từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi Quyết tâm cao gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2024
|
Chiều 8/12, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Toàn cảnh hội nghị. |
Nước ta có biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo, eo, vũng, vịnh, có tính đa dạng sinh học biển cao, giàu nguồn lợi thuỷ sản và là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân ven biển với hơn 83.000 tàu có chiều dài từ 6m trở lên.
Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, khai thác thiếu bền vững, “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) làm hạn chế sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thế giới, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân địa phương.
Ngư dân cập cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để bán cá. Ảnh: Ngọc Thảo |
Tại hội thảo, nhiều ngư dân bày tỏ lo lắng tình trạng giảm dần số lượng tàu khai thác thủy sản ở các địa phương; còn tình trạng ngư dân chưa chuyển đổi nghề phù hợp khi không còn đi biển, đời sống gặp khó khăn. Cùng với đó, mong sớm có phương án tháo gỡ “thẻ vàng” EC để giá trị hải sản có nguồn ra ổn định, cuộc sống ngư dân được nâng cao.
Các chuyên gia cũng thừa nhận, dù nhiều năm kiên trì và nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhưng phải thừa nhận cuộc sống của một bộ phận ngư dân vẫn lâm vào tình cảnh khó khăn, bấp bênh hơn trước. Lý do được đưa ra là việc chưa quan tâm đúng mức đến nghề cá quy mô nhỏ, khai thác ven bờ với phương châm “đánh cá có trách nhiệm”, bảo vệ nguồn lợi theo hướng bền vững, trong khi vùng biển ven bờ vẫn là nơi tập trung phần lớn các hoạt động đánh bắt IUU.
Các đại biểu nhấn mạnh cần nhân rộng, thúc đẩy “đồng quản lý” trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; vai trò của ngư dân, các hội đoàn, các bên liên quan khác trong quản trị cảng, bến cá ở nước ta trong thời gian tới. "Đồng quản lý" với sự trợ giúp của Nhà nước, được thực hiện đồng thời thông qua các tổ chức của cộng đồng ngư dân, khơi gợi lòng tự hào về nguồn tài nguyên, tinh thần trách nhiệm và phát huy được nội lực cộng đồng, mới hy vọng bảo đảm đạt hiệu quả cao cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá việc đồng quản lý sẽ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa cơ chế vận hành hiệu quả, với sự đóng góp về kỹ thuật và tài chính từ các cơ quan nhà nước lẫn khối tư nhân tại địa phương để tiếp tục mang lại những kết quả hữu hình, góp phần phát triển nghề cá lớn mạnh dựa vào sức dân, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và với các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. |
"Chúng ta có 86 nghìn chiếc tàu trên một vùng biển hẹp và trước tình trạng nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. Mục tiêu của Chính phủ là giảm khai thác, giảm đội tàu, tăng nuôi trồng, bảo vệ biển. Chúng ta không theo tư duy rằng cứ ra biển là khai thác, cạn kiệt tài nguyên mà cần bảo vệ tài nguyên cho thế hệ mai sau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta cứ giữ tư duy phải "bung" tàu ra để khai thác thì tài nguyên biển càng thêm cạn kiệt, rồi ngư dân ra vùng biển quốc tế khai thác, vi phạm lãnh hải, bị phạt; ngư dân cần chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng để có sinh kế bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, cần cấu trúc lại để phát triển bền vững hơn, thay vì tập trung số lượng tàu cá, cần quan tâm đến chất lượng của đội tàu, xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản mạnh, với công nghệ khai thác và chế biến hiện đại. Việc phát triển thủy sản bền vững không chỉ nhằm gỡ thẻ vàng EC mà còn mục tiêu đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế; tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức của ngư dân, từ đó có sinh kế bền vững.
"Hành trình này không chỉ nhằm gỡ thẻ vàng EC mà vì tái tạo nguồn lợi thủy sản, phát triển ngành thủy sản bền vững cho thế hệ sau này, đó mới là mục tiêu của chúng ta cải tổ lại ngành thủy sản...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.