Cải cách hành chính bảo hiểm xã hội: Nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Tại hành Kế hoạch số 3870/KH-BHXH về công tác cải cách hành chính năm 2023 vừa ban hành, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định, tiến hành cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: Thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Theo đó, ngành này đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%.
Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy của bảo hiểm xã hộim theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành, gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngành bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về trình độ, năng lực, phẩm chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức về hành chính phục vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, toàn ngành bảo hiểm xã hội sẽ triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu; 80% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Hướng tới 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của ngành. 100% các hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia và/hoặc nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các nền tảng khác theo quy định…
Ngoài ra, theo kế hoạch, ngành bảo hiểm xã hội sẽ nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính của ngành; quản lý, sử dụng tài sản theo hướng gắn với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tài sản được giao.
Về thực hiện xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, sẽ tập trung cung cấp dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
70% hồ sơ công việc trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 35% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó có 25% sử dụng ứng dụng VssID…