Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội đổi mới công nghệ
Cần tăng đầu tư cho khoa học công nghệ |
Nhận diện thách thức
Theo GS - TS. Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân): Hai thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong cuộc CMCN lần thứ 4.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có năng suất thấp cũng không có những tập đoàn, công ty thuộc “top” hàng đầu thế giới, áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) rất hạn chế. Vì thế, cuộc CMCN lần thứ 4 có thể tạo thêm khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển, khoảng cách này sẽ càng rộng hơn ra nếu không có những ứng xử đúng mực từ tư duy đến chính sách.
Thứ hai, cuộc CMCN lần thứ 4 mang đến sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và rô- bốt. Theo đó, cách thức sản xuất của một số ngành nghề mà Việt Nam dự định phát triển mạnh trong thời gian tới, với lợi thế lao động giá rẻ, lao động phổ thông sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng lớn. Sự phát triển của KHCN có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, vì một số lượng lao động không nhỏ của Việt Nam sẽ không thể chuyển đổi do không thích ứng kịp với tình hình mới, làm phân hóa giàu nghèo gia tăng và các xung đột xã hội có thể nổi lên.
Ngoài 2 thách thức trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chúng ta vẫn chưa thực sự quan tâm, coi trọng đến phát triển và tầm quan trọng của KHCN. Hiện đầu tư cho KHCN của Việt Nam mới đạt khoảng 1% GDP (bao gồm cả đầu tư từ ngân sách nhà nước và đầu tư toàn xã hội, doanh nghiệp). Trong khi đó, tại Trung Quốc là hơn 2,2% GDP, Hàn Quốc 4,5%.
Đổi mới tư duy
Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nảy sinh từ cuộc CMCN lần thứ 4, song khẳng định với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Trong thách thức, chúng ta vẫn nhìn thấy những cơ hội, lợi thế nhất định. Trong đó, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam có được là “lợi thế người đi sau”. Chúng ta có thể được hưởng những thành tựu, tiến bộ KHCN của các quốc gia đi trước đã nghiên cứu, dễ dàng tiếp cận những thành tựu khoa học này mà không phải mất thời gian nghiên cứu hay cần đến những mối quan hệ phức tạp khác.
Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, cuộc CMCN lần thứ 4 cũng chứng kiến sự du nhập của các công nghệ tiên tiến, giúp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu suất sản xuất và thúc đẩy sáng tạo. Điều này cũng tạo áp lực, cơ hội cho chính các DN sản xuất trong nước phải nỗ lực, tăng cường đầu tư cho KHCN, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để khu vực DN lớn mạnh, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy vậy, TS. Lưu Bích Hồ vẫn nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong cuộc CMCN lần thứ 4 vẫn chính là lao động trình độ thấp và nguồn vốn đầu tư cho KHCN chưa được thỏa đáng. Để cuộc CMCN lần thứ 4 không dẫn đến những tác động tiêu cực, đã đến lúc chúng ta không thể “né tránh” mà phải thẳng thắn đối mặt với những thách thức trên. Theo đó, cần chú trọng hơn nữa đến tăng đầu tư cho KHCN và đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có chất lượng, trình độ cao và am hiểu về KHCN, sẵn sàng tiếp nhận được những tiến bộ của khoa học vào hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): KHCN là cốt lõi phát triển kinh tế- xã hội. Tăng đầu tư cho KHCN là việc làm cần thiết trong thời gian tới. |