Các trường thuộc Bộ Công Thương: Tăng lợi thế, uy tín đào tạo nhờ chuyển đổi số

Giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương đã và đang đẩy nhanh quá trình thực hiện công tác này.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing),…, và phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Theo đó, các lớp học truyền thống với những nhược điểm như chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, thời gian cố định,… sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo; không gian học tập đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người - người, người - máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ VR…

Các trường Bộ Công Thương: Tăng lợi thế, uy tín đào tạo nhờ chuyển đổi số
Trường Đại học Sao Đổ đang thúc đẩy chuyển đổi số trong giảng dạy

Hiện nay, Bộ Công Thương có 34 trường trực thuộc, gồm 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 9 trường đại học và 24 trường cao đẳng, trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn hóa trong đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều đơn vị đã chủ động đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và tạo ra được nhiều hiệu quả tích cực cho công tác đào tạo, giảng dạy.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thuộc nhóm trường sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc. Theo đánh giá của nhà trường, nhờ quá trình thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã thu được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội.

Được biết, từ năm 2016, triển khai Đề án chuyển đổi số, chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã được thiết kế bám sát theo chuẩn đầu ra, vừa đáp ứng tính chuyên môn cao nhất định, vừa đáp ứng yêu cầu nền tảng rộng, liên ngành và các kỹ năng mềm như tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Năm 2017, khung các chương trình đào tạo được quản lý trên Hệ thống Đại học điện tử. Năm 2020, quy trình thiết kế, phát triển chương trình đào tạo thực hiện trên Hệ thống Đại học điện tử. Từ năm 2000, giảng viên soạn nội dung bài giảng dạng slides, video clips, đào tạo trực tuyến 90% các học phần để ứng phó với đại dịch Covid-19; hoàn thiện phân hệ đào tạo kết hợp trong đại học điện tử.

Trong công tác tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đẩy nhanh việc sử dụng công cụ phần mềm để tổ chức thi và xét tuyển; quảng bá đầy đủ thông tin tuyển sinh trên website, quảng bá tuyển sinh qua Facebook, Youtube, tư vấn tuyển sinh bằng Facebook mang lại hiệu quả cao (60.000 - 65.000 thí sinh đăng ký xét tuyển/năm). Đồng thời, tổ chức, quản lý quy trình nghiệp vụ tuyển sinh trên Hệ thống đại học điện tử một cách toàn diện từ đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học đến nhập học trực tuyến hoàn toàn.

Trường Đại học Sao Đỏ cũng là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Công Thương “nhanh chân” chuyển mình phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, trong đó trường đã tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Theo đại diện nhà trường, đối với công tác quản lý giáo dục, nhà trường đã thực hiện số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành một cách nhanh chóng, chính xác. Toàn bộ hoạt động quản lý trong trường được hỗ trợ bởi hệ thống các phần mềm quản lý có bản quyền như: Quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý văn bản nội bộ... đặc biệt cổng thông tin học vụ của sinh viên giúp các em có thể đăng ký tín chỉ, tra cứu lịch học, điểm thi, văn bằng và các tiện ích khác trực tiếp trên phần mềm; hệ thống tuyển sinh giúp người học đăng ký xét tuyển trực tiếp, hoàn thiện các thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm thời gian.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội, Trường Đại học Sao Đỏ đã áp dụng số hóa học liệu (giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), xây dựng thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, khai thác hiệu quả cổng thông tin học tập trực tuyến (SDU E-LEARNING) rèn luyện sinh viên tự học, tự nghiên cứu; đổi mới hình thức và nội dung thi kết thúc học phần đảm bảo chính xác, công bằng như thi trắc nghiệm trên máy tính, đánh giá học phần theo năng lực thực hiện.

Đặc biệt, trong năm học 2020-2021 trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, nhà trường đã triển khai giảng dạy trực tuyến trên các nền tảng Google Meet, Microsoft Office, Zoom… để tiếp cận người học, chuyển tải nội dung bài giảng đến với người học, đảm bảo đúng tiến độ đào tạo.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại các trường vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đáng kể, theo đại diện Trường Đại học Sao Đỏ, mặc dù nhà trường đã đánh giá được vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, tuy nhiên, rào cản lớn nhất để triển khai chính là sự hạn chế về nguồn lực tài chính. Còn theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, kết quả thực hiện những năm qua cho thấy việc triển khai còn chưa đồng bộ giữa các lĩnh vực, năng lực số của đội ngũ còn hạn chế dẫn tới chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế công nghệ số mang lại.

Các trường Bộ Công Thương: Tăng lợi thế, uy tín đào tạo nhờ chuyển đổi số
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, đào tạo sẽ giúp cho các trường nâng cao uy tín, lợi thế cạnh tranh

Hướng tới nhà trường thông minh

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được nhận định là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thông qua những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại như tối ưu chi phí hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.

Với ý nghĩa đó, thời gian tới, theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhà trường tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành; hoàn thiện các chức năng, phân hệ của Hệ thống Đại học điện tử để áp dụng toàn diện, đồng bộ trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Đồng thời, xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể để phát triển thành Đại học thông minh tương ứng với giai đoạn 3 của lộ trình Chuyển đổi số - giai đoạn thay đổi toàn diện mô hình và cách thức hoạt động của nhà trường. Đầu tư hệ thống phòng học thông minh, thư viện điện tử, không gian học tập, trải nghiệm và đổi mới sáng tạo; bồi dưỡng, tập huấn về năng lực, công nghệ số cho đội ngũ.

Về phía Trường Đại học Sao Đỏ, đơn vị này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với những định hướng phù hợp với sự phát triển công nghệ trong tương lai như ứng dụng các công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, di động hóa, phân tích dữ liệu tối ưu hóa nguồn lực, phát triển những ứng dụng tiện ích sáng tạo nhằm tạo sự trải nghiệm tiện nghi cho người học, xây dựng một nhà trường thông minh trong tương lai gần.

Trong phương hướng nhiệm vụ đề ra đối với các cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các trường chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số. Theo đó, các đơn vị đào tạo cần tập trung xây dựng giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của nhà trường bao gồm 4 nhóm chủ yếu, là: hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo; ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu; dịch vụ trực tuyến; kênh giao tiếp. Ngoài ra, cần đưa vào quy hoạch phát triển trường nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời chính thức hóa thông qua các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm và hàng năm để tổ chức thực hiện.

Đồng thời, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo cần triển khai các điều kiện đảm bảo, trong đó ưu tiên kiện toàn đội ngũ chuyên trách công nghệ thông; phân tách giữa nhiệm vụ tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch và nhiệm vụ thực hiện duy trì, vận hành hệ thống công nghệ thông tin. Đặc biệt là cần thể chế hóa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các quy chế quản lý vận hành, khai thác hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để thực hiện đồng bộ trong toàn trường.

Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/12/2024: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/12/2024: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Xem thêm