Các siêu đô thị ven biển châu Á đối diện nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu
Theo đó, Báo cáo nghiên cứu có nội dung “Rủi ro khí hậu và ứng phó ở các siêu đô thị ven biển châu Á” xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với Bangkok, TP. Hồ Chí Minh và Manila, theo một loạt các kịch bản khác nhau cho đến năm 2050. Báo cáo này là sản phẩm của một nghiên cứu hợp tác kéo dài hai năm bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo cho thấy, chi phí từ các sự kiện ngập lụt lớn đối với cơ sở hạ tầng và nền kinh tế có thể lên tới hàng tỷ đôla, trong đó dân số nghèo ở các đô thị có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cả ba thành phố ở châu Á cần thực hiện các phương pháp tiếp cận có mục tiêu, cụ thể cho từng thành phố để đáp ứng những thách thức này. Bangkok, TP. Hồ Chí Minh và Manila đều có dân số gần hoặc hơn 10 triệu người. Hai thành phố là thủ đô và cả ba thành phố đều là trung tâm của tăng trưởng kinh tế quốc gia và khu vực, đóng góp đáng kể vào GDP của các quốc gia.
Là các siêu đô thị ven biển, tất cả đều phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến khí hậu ngày càng tăng như mực nước biển dâng cao và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Trong khi các biện pháp đáng khen ngợi để chống lại lũ lụt đã được các thành phố này thực hiện, báo cáo nghiên cứu lập luận rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.
Đối với các thành phố, để giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu trong tương lai, quản lý môi trường đô thị hợp lý là rất quan trọng. Sụt lún đất do bơm nước ngầm, đổ chất thải rắn vào kênh rạch và đường thủy của thành phố, hệ thống thoát nước bị tắc, và nạn phá rừng ở thượng nguồn đều góp phần gây ra ngập lụt ở đô thị. Quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường đô thị này sẽ giúp quản lý các tác động liên quan đến khí hậu trong tương lai. Với chi phí thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu, báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị chính quyền các siêu đô thị ven biển thực hiện các biện pháp chủ động để giải quyết các rủi ro khí hậu như một phần không thể thiếu của quy hoạch đô thị. Điều này bao gồm xây dựng các khuôn khổ chiến lược về thích ứng đô thị để quản lý rủi ro khí hậu, tăng cường năng lực thể chế để thích ứng và thực hiện các biện pháp như quy hoạch và phân vùng sử dụng đất để giúp giảm tính dễ bị tổn thương của các đô thị.
Tại Bangkok, lũ lụt là do sụt lún đất và lượng mưa gia tăng ở lưu vực lớn thoát nước qua thành phố. Do đó, cần có các biện pháp kiểm soát bơm nước ngầm, nâng cao khả năng dự báo và thông tin lũ, nâng cao đê bao và đầu tư công suất trạm bơm. Mối đe dọa từ nước biển dâng và triều cường được cho là ít nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn đảm bảo đầu tư vào bảo vệ vùng ven biển và quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn dài hạn về các yếu tố này.
Tại TP. Hồ Chí Minh, báo cáo nghiên cứu cho biết, khoảng 26% dân số hiện đang bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng bão cực đoan, nhưng những con số này có thể tăng lên hơn 60% vào năm 2050. Chính phủ đã bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố, nơi có thể cung cấp một khuôn khổ tổng thể cho các biện pháp thích ứng trong các lĩnh vực liên quan. Các phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở hạ tầng cũng có thể được kết hợp hữu ích với các phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái như quản lý rừng ngập mặn và phục hồi các vùng đất ngập nước đô thị.
Tại Manila, báo cáo cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, một trận lụt lớn có thể gây ra thiệt hại tổng cộng gần 1/4 GDP của khu vực đô thị. Các mối đe dọa chính đối với Manila là lượng mưa cực lớn, mực nước biển dâng, cũng như các cơn bão mạnh hơn. Báo cáo cho rằng cần phải cải tiến liên tục và thiết kế lại cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ lụt.
Những phát hiện của báo cáo nghiên cứu về ba thành phố này là điểm nhấn cho các siêu đô thị ven biển trên khắp thế giới, từ châu Á đến châu Phi. Các thông điệp chính của nghiên cứu bao gồm: i) Quản lý tốt hơn môi trường đô thị và cơ sở hạ tầng sẽ giúp quản lý các tác động tiềm tàng liên quan đến khí hậu ở các thành phố ven biển; ii) Các rủi ro liên quan đến khí hậu cần được coi là một phần không thể thiếu của quy hoạch thành phố và vùng; và iii) Cần có các giải pháp cụ thể cho thành phố được nhắm mục tiêu, kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, phân vùng và các chiến lược dựa trên hệ sinh thái.