Các nước trên thế giới tính toán giá xăng dầu như thế nào?
Tham khảo kinh nghiệm về công tác điều hành giá xăng dầu của một số quốc gia trong khu vực cho thấy, một số quốc gia như: Singapore, Ấn Độ cho phép doanh nghiệp tự xác định giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, tại Ấn Độ, giá dầu diesel và giá xăng được cập nhật hàng ngày; các doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu vào lúc 6 giờ sáng trên cơ sở nhiều yếu tố khác nhau như giá quốc tế, thuế, phí.
Còn Chính phủ Singapore không ban hành các quy định can thiệp trực tiếp vào giá xăng dầu, khi cần phải can thiệp thì Chính phủ Singapore sử dụng các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi biến động giá xăng dầu.
Tại một số quốc gia khác, Nhà nước thực hiện quản lý về giá xăng dầu theo nhiều hình thức khác nhau. Campuchia và Trung Quốc thực hiện ấn định giá trần (giá bán lẻ xăng dầu tối đa) và theo công thức tính giá cơ sở.
Tại Campuchia, giá bán lẻ/lít = trung bình MOPS + thuế khâu nhập khẩu + chi phí và lợi nhuận định mức + VAT OUT; điều chỉnh giá trong các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng; 6 tháng một lần, Bộ Thương mại họp với các công ty xăng dầu nhằm kiểm tra lại khoản “Chi phí và lợi nhuận định mức”.
Nhiều quốc gia trên thế giới cho phép doanh nghiệp tự xác định giá xăng dầu theo cơ chế thị trường (Ảnh minh họa) |
Tại Trung Quốc, giá xăng dầu căn cứ trên giá dầu thô làm cơ sở, cùng với thuế quan, thuế tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, chi phí luyện dầu; điều chỉnh 10 ngày làm việc/lần. Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đưa ra giá trần cao nhất đối với xăng dầu thành phẩm, các đơn vị kinh doanh căn cứ vào đó để điều chỉnh giá không được phép vượt khung; hàng tháng, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc sẽ niêm yết công khai bảng điều tiết xăng dầu trên website của Cơ quan này, theo đó mỗi địa phương sẽ được ấn định giá khác nhau.
Tại Indonesia, Nhà nước trực tiếp định giá đối với xăng dầu trợ cấp (gồm dầu hỏa, dầu diesel và xăng RON 90); giá xăng dầu trợ cấp giống nhau trên toàn quốc. Đối với xăng dầu không trợ cấp, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán dựa trên công thức giá trần do Nhà nước quy định, cụ thể: Giá bán lẻ cao nhất = Giá cơ sở + thuế VAT + thuế xăng dầu + biên độ (tối đa là 10% giá cơ sở). Trong trường hợp đặc biệt, Nhà nước có thể ấn định giá cơ sở. Mỗi tỉnh khác nhau sẽ có giá khác nhau đối với xăng dầu thương mại.
Khi giá xăng dầu biến động bất thường, Chính phủ các nước có những biện pháp can thiệp khác nhau. Tại Hàn Quốc, khi giá dầu tăng bất thường và đạt đến một mức giá quá cao, Chính phủ có thể thực hiện cơ chế giá trần hoặc công bố giá cố định để hạn chế tác động của biến động giá dầu lên người tiêu dùng.
Tại Campuchia, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra thông báo ngay lập tức về việc quy định giá bán lẻ cho các công ty xăng dầu 10 ngày một lần hoặc 15 ngày một lần nếu cần thiết hoặc Liên Bộ Thương mại, Mỏ và Năng lượng, Kinh tế và Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng ra quyết định xử lý.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Cụ thể: Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các chi phí về thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Điều 32 Nghị định: Giá bán xăng dầu bằng (=) chi phí tạo nguồn cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) thuế giá trị gia tăng. |