Các nước hỗ trợ thẳng tiền mặt cho dân, chúng ta lại tiếp cận qua chính sách
Thực hiện Nghị quyết 43 chưa như kỳ vọng vì tâm lý sợ sai
Chiều 25/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát rất đầy đủ, toàn diện, sát thực tiễn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu rất sâu sắc, tâm huyết và xác đáng. Nhiều đại biểu đã cho chúng tôi nhiều bài học quý trong tiếp thu, xử lý, xây dựng chính sách cũng như thực hiện các chính sách sau này.
Nói về Nghị quyết 43, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh tình hình kinh tế vô cùng khó khăn, cả kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước. Tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp khó khăn, rút lui, giải thể rất lớn, đời sống người lao động vô cùng khó khăn và quan trọng nữa là đứt gãy các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng… đòi hỏi chúng ta cấp bách phải có một gói chính sách với một quy mô đủ lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân, lao động nhằm chống đứt gãy, giữ được ổn định, phục hồi dần dần và tăng trưởng trở lại.
“Đó là mục tiêu xuyên suốt của chúng ta trong suốt quá trình xây dựng Nghị quyết 43 và cũng là một việc chúng ta chưa có tiền lệ bao giờ” - Bộ trưởng nói.
This browser does not support the video element.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian xây dựng chương trình và thực hiện chương trình của chúng ta rất ngắn. Trong khi đó, các chương trình này lần đầu tiên thực hiện với quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng và thủ tục đang còn rất phức tạp, rườm rà. Kinh nghiệm, năng lực đang còn hạn chế, phối hợp giữa các cơ quan đang còn bất cập và chưa tốt.
Bên cạnh đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây. Đó cũng là nguyên nhân làm cho các kết quả chúng ta thực hiện một số chính sách còn chậm, một số chính sách chưa hiệu quả, một số chính sách chưa thực hiện được.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, qua thực tiễn và kết quả đạt được như trong báo cáo và các đại biểu nêu cho thấy, đây là một chủ trương rất lớn và đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để giải quyết ngay được những vấn đề cấp thiết của nền kinh tế và của đất nước đặt ra, củng cố được niềm tin của người dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ. “Kết quả đạt được thì chúng tôi cho rằng, về tổng thể chúng ta đạt được yêu cầu” - Bộ trưởng chỉ rõ,
Điển hình như, kết quả phát triển kinh tế vẫn ổn định, kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát vẫn kiểm soát được, các cân đối lớn vẫn đảm bảo; việc làm, đời sống cho người dân, cải thiện về hạ tầng giao thông, phát triển doanh nghiệp, giữ được các chuỗi sản xuất ổn định, chuỗi cung ứng dần dần phục hồi như qua kết quả năm 2022, năm 2023 và đầu năm 2024, chúng ta thấy được điều đó.
Kết quả lớn hơn đó là cho chúng ta được một bài học kinh nghiệm hết sức quý để trong các tình huống tương tự gặp phải, bất kể ở trường hợp nào thì phản ứng chính sách phải nhanh, xây dựng chính sách phải tốt và hiệu quả, đi vào cuộc sống, kể cả từ tư duy cho đến tổ chức thực hiện.
Về việc tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương hết sức cố gắng và nỗ lực. Chính phủ đã ban hành tổng cộng khoảng 20 nghị định, 1 chỉ thị, 7 công điện, 5 tổ công tác, 26 đoàn công tác, phân công các thành viên Chính phủ phải xuống từng địa phương để giải quyết các ách tắc, vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư công cũng như từng dự án thuộc chương trình phục hồi, chưa bao giờ làm quyết liệt như thế và mới có được kết quả. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có 10 công điện và 20 văn bản hướng dẫn, đôn đốc.
Cần xem xét lại phương thức hỗ trợ
Về danh mục dự án và giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, trước hết, danh mục này đã được xây dựng từ chủ trương các gói hỗ trợ các dự án cho đến các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn các dự án, chúng ta làm rất bài bản.
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn kèm theo danh mục, nhưng danh mục khi trình ban đầu để xin chủ trương của Quốc hội là danh mục dự kiến để đảm bảo chúng ta xác định ngay ra được một số vốn cần thiết và phải đảm bảo được thời gian ban hành nghị quyết nên không thể làm ngay được.
Khi Quốc hội cho chủ trương, chúng ta bắt đầu xây dựng chi tiết, mới rà lại, xem lại và có sự thay đổi, thay đổi về các dự án, quy mô, các yếu tố và phải trình lại, mất thêm thời gian. “Việc này có đặc điểm, đặc thù, mong các đại biểu hết sức chia sẻ và thông cảm, không phải vấn đề chúng ta thực hiện nhiều mà do quy trình của chúng ta phải làm như vậy” - Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, thời gian chúng ta chuẩn bị rất ngắn, nhưng thủ tục đang còn rất phức tạp và chưa có một cơ chế cho làm rút gọn. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, các đại biểu nêu ra rất nhiều, chúng ta hiện nay đang xử lý còn rất chậm. "Tư tưởng của chúng ta là muốn tập trung, trọng tâm, trọng điểm và muốn tập trung trọng tâm, trọng điểm thì chúng ta phải tập trung vào những dự án lớn, đã tập trung vào dự án lớn thì chúng ta phải chuẩn bị để kéo dài" - Bộ trưởng lý giải.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phương thức hỗ trợ của chúng ta sau này có lẽ cũng phải xem lại. Ở các nước thì người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, thẳng cho người dân, mỗi người dân được 1.500 USD, 2.000 USD và người ta cứ thế phát, đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đẩy ngay vào nền kinh tế.
"Chúng ta lại tiếp cận qua các chính sách mà các chính sách thì lại phải có các văn bản hướng dẫn rồi lại phải giám sát, phải quy trình, phải tố tụng... thì hết thời gian, không còn tính hiệu quả và thời sự" - Bộ trưởng chỉ ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chúng ta giữ thời gian của chương trình thì không nên đưa các dự án lớn vào đây, nếu đã đưa dự án lớn vào thì phải cho kéo dài thời gian thực hiện, nếu không hết thời gian cũng chưa xong thủ tục và cũng không được.
Bên cạnh đó, các chính sách của chúng ta phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát, dễ thực hiện, đấy là nguyên tắc rất quan trọng. Việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ và thống nhất chứ không phải để một rừng các vướng mắc như hiện nay.
"Sáng nay, có rất nhiều đại biểu nói, tôi rất thấm thía. Đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, phải thủ tục đặc biệt và quy trình đặc biệt thì mới là đặc biệt, chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ, việc gì cũng phải xin cơ chế" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, xây dựng chính sách pháp luật thì phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương, địa phương, giữa cấp dưới, cấp trên.