TP. Hồ Chí Minh sẽ thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ trong tháng 10 TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát, TP cần phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn, để công tác phòng chống dịch đạt được bền vững. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TP cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến góp ý, hiến kế, nghiên cứu khoa học để chung tay phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội |
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hội thảo đã nhận được 14 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn TP. Đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TP làm dữ liệu đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển Thành phố. Nội dung các bài tham luận tập trung vào 4 lĩnh vực: y tế, kinh tế, xã hội và nhà ở.
Cá chuyên gia, nhà khoa học bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025 |
Đáng chú ý, nhiều nội dung các tham luận tại hội thảo tập trung đánh giá các tác động của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực của kinh tế TP. Trong đó, nhìn nhận quy mô nền kinh tế TP chưa vận hành đến 50% trong tháng 9/2021, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện trong tháng 9/2021 khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành so với tháng 8/2021. Đồng thời, nhận định các tổn thất DN đang gặp phải, khiến DN rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản, nguy cơ nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Từ những dự báo xu hướng thương mại toàn cầu, định hướng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới để xác định những trụ cột, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng. Trên cơ sở đó, các đại biểu tại thảo đề ra những biện pháp trước mắt và những biện pháp căn cơ để giúp các DN tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.
Bên cạnh đó, một số khuyến nghị tập trung vào nhóm giải pháp tức thời, ngắn hạn, giải pháp trung hạn cho giai đoạn 2022 - 2025, và giải pháp cho giai đoạn sau 2025 trên cơ sở đánh giá tổng quan hiện trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ khuyến nghị, TP. Hồ Chí Minh cần xác định những trụ cột cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng. Đặc biệt, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân theo 2 mục tiêu, trước mắt phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường; thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với Chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh trước mắt phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường |
Với vị trí vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP và gần 30% ngân sách quốc gia, là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, nên việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Theo TS. Trần Du Lịch, TP. Hồ Chí Minh cần xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng, cũng như xác định các đối tượng cần hỗ trợ bằng các giải pháp về tài chính - tín dụng. Trong số 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19 và khả năng tự hồi phục khác nhau, nên giải pháp hỗ trợ cần lựa chọn theo 3 tiêu chí: đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của TP, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội toàn vùng. TP cơ bản đóng vai trò là trung tâm logistics cấp vùng và cùng với các tỉnh thành có vai trò sản xuất và cung ứng thành phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đại dịch Covid-19 năm 2021, chuỗi cung ứng này đã bị đứt gãy nghiêm trọng.
Để phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài đề nghị TP. Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp tức thời, ngắn hạn. Cụ thể, TP tăng cường tiêm chích vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho người lao động trực tiếp, gián tiếp trong toàn bộ hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng cho toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính quyền các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có đề xuất chung cấp vùng cho Chính phủ để điều tiết kịp thời vắc xin cho toàn vùng.
Đồng thời, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy. Trong đó, khẩn cấp khơi thông dòng dịch chuyển nhân lực nội vùng để phục hồi lao động cho sản xuất ở toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, từ thương nhân, lao động tham gia chuỗi cung ứng, công nhân và người lao động ở các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu…
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao về những chia sẻ, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học phục cho chương trình khôi phục và phát triển Kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022-2025, lãnh đạo TP tiếp thu hoàn thiện. Đồng thời, đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển cùng với các sở ngành của TP khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế TP theo tinh thần vừa thiết kế vừa thi công. Đồng thời hoàn thiện chương trình khung, nghiên cứu các đề án, kế hoạch các dự án để triển khai phục hồi kinh tế. “Thời gian tới, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh rất mong sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến góp ý, hiến kế, nghiên cứu khoa học gửi về để chung tay phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.