Thứ tư 01/01/2025 23:15

Các FTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - New Zealand

Việt Nam và New Zealand đang hướng đến hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD trong năm 2021. Đây cũng là chia sẻ của ông Joseph Nelson - Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP. Hồ Chí Minh - tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường New Zealand - Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - New Zealand”, diễn ra ngày 17/12, tại TP. Hồ Chí Minh.

Tận dụng các FTA để tăng trưởng thương mại

Kể từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) năm 2010, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sau khi chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác chiến lược năm 2020.

Hội thảo “Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường New Zealand - Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - New Zealand”

New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa New Zealand và Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2020, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đạt 1,31 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2019. Tính đến tháng 11/2021 con số này đạt khoảng 1,08 tỷ USD, tăng 23,15% so với cùng kỳ 2020. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand đạt 534 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ New Zealand ước đạt 541 triệu USD. Nhiều nhóm hàng được Việt Nam xuất khẩu sang New Zeland đạt kim ngạch cao như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 166 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 71 triệu USD, giày dép, các loại 40 triệu USD...

Về hợp tác đầu tư, tính đến nay, New Zealand có 42 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 209,5 triệu USD, đứng thứ 38/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). RCEP được ký trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã mang tới nhiều cơ hội hợp tác thành công mới cho cả Việt Nam và New Zealand. Việc tận dụng các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - New Zealand là cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới trong khu vực ASEAN.

"Ngoài ra, hai bên có thể tận dụng các lợi thế của nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng trong các FTA như: hỗ trợ xây dựng năng lực trong sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… để xuất khẩu sang các thị trường của các đối tác có ký kết FTA cũng như các thị trường khác", ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết.

Chú trọng khai thác lợi thế của DN hai nước

Chia sẻ về đất nước, con người New Zealand và cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước, ông Joseph Nelson cho biết thêm, ngành công nghiệp chính của New Zealand bao gồm chế biến thực phẩm, dệt, máy móc, thiết bị vận tải, tài chính, du lịch, khai thác mỏ.... Đây là những ngành mà Việt Nam có thế mạnh để có thể thu hút đầu tư phát triển.

Về môi trường đầu tư tại New Zealand, quốc gia này đứng thứ nhất về môi trường minh bạch và không tham nhũng, thứ hai về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, thứ 8 về chỉ số rủi ro quốc gia trên thế giới. New Zealand có hệ thống pháp lý đơn giản, được thiết kế tốt và cập nhật thường xuyên, minh bạch. Với vị trí số 1 trên 190 quốc gia về chỉ số thuận lợi kinh doanh, thứ 5 trong 161 quốc gia về môi trường tốt nhất cho DN, đứng thứ 3 trong 139 nước về ý tưởng sáng tạo và là nơi kết nối lý tưởng giữa châu Á và châu Mỹ, New Zealand được đánh giá là “miền đất hứa” dành cho các nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, New Zealand với thế mạnh sản xuất những thực phẩm chất lượng cho mọi người. Quốc gia này sản xuất hơn 100 loại trái cây và rau củ hàng năm trên diện tích khoảng 120.000 ha, đồng thời xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây và rau củ cho 128 nước trên thế giới. "Đối với thực phẩm và đồ uống, các sản phẩm từ sữa như bò sữa và các loại sữa khác nhau, rượu vang, thịt cừu và thịt bò cùng với các loại hải sản như trai, sò điệp, hàu Bluff, cá trắng, cá hồi... là những sản phẩm thế mạnh của New Zealand rất được săn đón ở nước ngoài. Vì thế ngành thực phẩm, nông nghiệp có nhiều cơ hội hợp tác hết sức tiềm năng giữa hai nước" - ông Joseph Nelson nhấn mạnh.

Ngoài ra, DN hai nước còn có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giải pháp dịch vụ ngành nông nghiệp như: Tư vấn cho ngành nông nghiệp nâng cao giá trị và năng suất các ngành trồng trọt, thủy sản, thực phẩm và đồ uống; bảo vệ thực vật; sản phẩm thân thiện với môi trường trong kiểm soát động vật và côn trùng không để lại dư lượng trên mặt đất và chuỗi thức ăn; kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm... Phát triển hệ thống xử lý nguyên liệu khô đầu nối cho ngành thực phẩm; hệ thống sản xuất, thiết kế, chế tạo, tích hợp, tự động hóa cho các ngành công nghiệp chế biến sữa, nước trái cây, mật ong và thực phẩm lỏng khác...

Từ phía Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cũng lưu ý các DN khi đầu tư, kinh doanh tại thị trường New Zealand như, các DN cần xác định hàng hóa đó có trải qua các thay đổi hoặc chuyển đổi cần thiết để được coi là có xuất xứ tại quốc gia đề nghị ưu đãi thuế hay không. Bởi trong mỗi FTA mà New Zealand ký kết với các đối tác có quy định các phương pháp hoặc tiêu chí xuất xứ khác nhau. Hàng hóa đủ điều kiện xác định xuất xứ từ một quốc gia hoặc nhóm quốc gia cụ thể phải thuộc một trong các tiêu chí xuất xứ được quy định theo thỏa thuận thương mại hoặc chương trình ưu tiên cụ thể...

Ngọc Thảo