PVFCCo là đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác bình ổn thị trường đạm urê
CôngThương - Theo PVCFC, Nhà máy đạm Cà Mau có công suất thiết kế 800.000 tấn urê hạt đục/năm (2.400-2.500 tấn/ ngày), có hệ thống kho chứa khoảng 85.000 tấn hàng rời và 10.000 tấn hàng đóng bao, công suất đóng bao khoảng 3.500-4.000 tấn/ngày. Từ khi vận hành đến hết tháng 5/2012, nhà máy đã sản xuất được 179.809 tấn urê, trong đó đã xuất kho được 105.409 tấn, tồn kho đến 31/5 còn 74.400 tấn bao gồm khoảng 66.000 tấn hàng rời và 8.400 tấn hàng đóng bao.
Sản phẩm của nhà máy được đưa ra thị trường qua hình thức đấu giá do Ban Quản lý dự án Cụm khí điện đạm Cà Mau kết hợp với PVFCCo thực hiện. Qua 8 lần đấu giá, đến nay đã có 160.900 tấn sản phẩm đấu giá thành công trong đó có 105.000 tấn là sản phẩm thương mại (có thể bán lẻ ra thị trường) còn lại là các sản phẩm loại 1, 2 (chỉ dùng cho sản xuất NPK). Cụ thể: trong 5 lần đấu giá đầu hầu hết là các DN sản xuất NPK trúng thầu, chỉ một số đơn vị thương mại do đó lượng sản phẩm thương mại ra thị trường khá ít. Đối với lô thứ 6, 7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cho phép đấu giá 1/2 lượng sản phẩm, còn lại PVFCCo lấy lại theo giá bình quân của lượng đấu giá để phân phối. Như vậy, theo chỉ đạo của PVN, PVFCCo sẽ phải lấy 25.000 tấn còn lại với giá bình quân của lô đấu giá 7 là 10.300 đ/kg.
PVFCCo cho rằng, để bình ổn thị trường,các nhà máy sản xuất cần phải hoạt động liên tục và ổn định để đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phân đạm trong nước, các đầu mối nhập khẩu cùng thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường như trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. |
Tuy nhiên,PVFCCo cho rằng, giá bán trên là cao nên đã chưa chấp nhận lấy hàng. Vì vậy thời điểm cuối tháng 5 mặc dù ngoài thị trường tương đối khan hàng nhưng trong kho của Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn tồn kho khá cao (khoảng 48.000 tấn).
Theo PVCFC, 7 tháng cuối năm, đạm Cà Mau có thể cung ứng cho thị trường khoảng 368.000 tấn sản phẩm urê hạt đục, cùng với lượng tồn kho tổng nguồn cung sẽ đạt gần 400.000 tấn. Hiện nay, việc cung ứng sản phẩm của nhà máy đạm Cà Mau ra thị trường được PVN giao cho PVFCCo bao tiêu sản phẩm. Giá bán hàng được tính theo quy định tại hợp đồng bao tiêu. Chính vì vậy, năng lực cung ứng thực tế cho thị trường của đạm Cà Mau phụ thuộc vào tiến độ lấy hàng của PVFCCo.
PVFCCo là đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác bình ổn thị trường đạm urê và được giao nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho Nhà máy đạm Cà Mau. Trong 5 tháng đầu năm đã cung ứng cho thị trường nội địa gần 400.000 tấn (chiếm 50% sản lượng của nhà máy). Trong tháng 4 và 5, PVFCCo đã tập trung đẩy mạnh cung ứng phân bón urê cho thị trường nội địa với lượng cung khoảng 167.000 tấn (83.000 tấn/tháng), lượng tồn kho của PVFCCo cuối tháng 4 chỉ còn 34.000 tấn, cuối tháng 5 là 38.000 tấn - đây là lượng tồn kho khá thấp so với thông thường. Dự kiến từ tháng 6 đến hết năm 2012, PVFCCo sẽ sản xuất khoảng 450.000 tấn sản phẩm, cùng với lượng tồn kho cuối tháng 5 chuyển sang, dự kiến sẽ tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 410.000-440.000 tấn và tồn kho đến đầu năm sau khoảng 50.000-80.000 tấn. Theo đánh giá của đoàn công tác Bộ Công Thương, PVFCCo thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối sâu rộng đến tay người tiêu dùng, kiểm soát giá bán trong hệ thống, duy trì tồn kho tối thiểu để sẵn sàng cung ứng. Song, với những ưu đãi về giá nguyên liệu đầu vào nhận được trên thực tế, hiện nay, PVFCCo vẫn chưa thực sự cân đối lợi ích để huy động nguồn hàng từ các nguồn khác (từ đạm Cà Mau, nhập khẩu) để làm tốt công tác bình ổn.
Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng kịp thời cho thị trường, đặc biệt vào vụ đông – xuân, PVFCCo cần chuẩn bị vận chuyển trước lượng hàng về các kho đầu mối, kho trung chuyển, gửi kho đại lý ở các vùng miền trước khi đến cao điểm mùa vụ. Đồng thời, cần triển khai sớm kế hoạch tiêu thụ đạm Cà Mau, tránh để hiện tượng thị trường thiếu hàng trong khi tồn kho rất lớn như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường nắm sát thông tin thị trường để điều tiết nguồn hàng tập trung cho các địa phương đang có nhu cầu cao để hạn chế việc tăng giá do thiếu hàng cục bộ. Ngoài ra, PVN cũng chỉ đạo, hướng dẫn PVCFC sớm nghiệm thu Nhà máy đạm Cà Mau để chính thức cung cấp sản phẩm ra thị trường, giao một phần sản phẩm urê thương mại cho PVCFC để chủ động tìm kiếm thị trường, dần tạo lập kênh phân phối riêng cho sản phẩm.