Bước chuyển thần kỳ sau 30 năm đổi mới
Một cuộc họp của Chính phủ lâm thời nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Ảnh: T.L |
Từ Chính phủ kiến quốc...
Khái niệm “kháng chiến, kiến quốc” được xuất hiện lần đầu tiên trong Chỉ thị ngày 23/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận ra mối quan hệ của việc kiến tạo một không gian ổn định trong và ngoài nước làm tiền đề cho việc kiến thiết nước nhà, để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định. Điều này cũng có nghĩa là bất luận trong tình thế nào của cách mạng, “kiến quốc” hôm qua hay “kiến tạo” hôm nay đều là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cách mạng. Nói như Lê-nin, một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó tự biết bảo vệ mình. Kiến quốc và kiến tạo chính là vũ khí để bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945.
Năm 1946, Quốc hội khóa I (1946 - 1954) cử ra Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 22 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đây là Chính phủ kháng chiến và kiến quốc.
Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại và văn minh |
Có thể nói, nội hàm của “kiến quốc” khá rộng. Thực chất, “kiến tạo” mà ngày nay chúng ta nói đến cũng chính là sự cụ thể hóa của “kiến quốc” trong điều kiện phát triển mới. Chính phủ kiến tạo không phải là điều gì mới mẻ hôm nay, mà chỉ là cách dùng từ ngữ trong khung cảnh mới, còn nội hàm xuất phát từ bản chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ ngày đầu lập nước.
Việc nhấn mạnh một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc năm xưa chính là để xây dựng một Chính phủ huy động mọi nguồn lực để xây dựng một đất nước Việt Nam non trẻ trải qua khói lửa của 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đi đến thắng lợi.
... Đến Chính phủ kiến tạo
Còn hôm nay, nhấn mạnh mục tiêu một Chính phủ kiến tạo là hướng tới mục đích để xây dựng một Chính phủ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Theo các chuyên gia, một nhà nước kiến tạo có nghĩa là biết tôn trọng và phát huy triệt để các thế mạnh của nền kinh tế thị trường, không làm thay các công việc của thị trường, đẩy mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng để phát triển kinh tế- xã hội đất nước và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phát biểu nhậm chức tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV, đã nhấn mạnh: Chính phủ nhiệm kỳ mới đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo.
Theo Thủ tướng, 6 định hướng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới gồm:
Quan tâm xây dựng bộ máy trong sạch, liêm chính, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; làm gương cho xã hội về tất cả mọi vấn đề, nói đi đôi với làm.
Tăng cường kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương, phép nước không nghiêm, đặc biệt là trong khu vực hành chính công.
Chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp tháng 4/2016 |
Phân định rõ chức năng quản lý với thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho.
Chính phủ quan tâm tới phân cấp, giao quyền theo hướng để bộ, ngành, địa phương tự làm những việc có thể tự chủ và làm tốt.
Đề cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.
Lâu nay có tình trạng “trên ráo riết, dưới chùng chình”. Lại có chuyện “trên bảo dưới không nghe”. Kết quả làm giảm hiệu lực điều hành, lòng tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ bị suy giảm. Trước thực tế đó, tại nhiều hội nghị gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì không thể chỉ dừng lại ở trung ương, còn ở địa phương thì không chuyển biến.
“Liệu tinh thần này có vượt qua được cấp tỉnh xuống đến cấp cơ sở không. Chính quyền cơ sở có phục vụ nhân dân, doanh nghiệp hay không? Hay lại hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân. Chúng ta có quyết tâm xây dựng được lớp cán bộ liêm chính không?” - Thủ tướng thẳng thắn.
Những động thái quyết liệt, hợp lòng dân trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trong thời gian gần đây, đặc biệt trong việc đem lại luồng gió mới cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành và tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp được người dân, doanh nghiệp hết sức đồng tình, đặt niềm tin cao cho mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Niềm tin đó càng có ý nghĩa khi mà bối cảnh nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới đang phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nó cũng làm sâu sắc thêm mục tiêu kiến tạo cùng sự khẳng định, Chính phủ hôm nay đã và vẫn đang tiếp nối truyền thống kiến quốc của Chính phủ 7 thập kỷ trước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. |