Bức xúc nạn “cưa tai mài bình” - Doanh nghiệp tố lên cơ quan chức năng
Mới đây, cơ quan chức năng huyện Đông Anh, TP. Hà Nội phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển vỏ bình gas trái phép, thu giữ hàng ngàn vỏ bình gas mang nhiều nhãn hiệu khác nhau. Các bình gas này được tập kết tại Công ty CP Kinh doanh và XNK khí gas hoá lỏng Vạn Lộc, có địa chỉ ở Lô CN4 - Khu công nghiệp (KCN) Nguyên Khê, huyện Đông Anh.
Theo tìm hiểu của PV, số bình gas trên được thu gom, vận chuyển từ một kho hàng của một doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng ở KCN Bắc Vinh, TP. Vinh (Nghệ An).
Bbiến bình gas thuộc quyền sở hữu của DN khác thành tài sản của mình hoặc tiêu hủy vỏ bình gas của đối thủ là chiêu thức của một số DN cạnh tranh không lành mạnh trong những năm gần đây tại các tỉnh miền Trung. |
Ông Thái Bá Nam - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An cho rằng, “đây chính là biểu hiện của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng, vốn đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua tại Nghệ An. Tuy nhiên, để nắm bắt được vụ việc cụ thể thì rất khó, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng…”.
Cũng theo ông Nam, “Ở Nghệ An, tình trạng sang chiết nạp gas là có, tuy nhiên đang ở quy mô nhỏ lẻ. Các đối tượng này biến bình gas thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thành tài sản của mình hoặc tiêu hủy vỏ bình gas của đối thủ cạnh tranh".
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Viễn, Chủ tịch Hiệp hội gas Nghệ An cho hay, “đến thời điểm này, ở Nghệ An chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào về lĩnh vực sang chiết gas, cũng như các vụ việc trên cũng chưa thấy có báo cáo gì...”.
Thực trạng các doanh nghiệp “cắt tai, mài bình” để đánh lừa người tiêu dùng, qua mắt các cơ quan chức năng, gây nguy hiểm cho người sử dụng đã diễn ra rất lâu, thế nhưng, các cơ quan quản lý vẫn đang bất lực trước vấn nạn này.
Còn tại Hà Tĩnh, ngày 23/3/2022 bà Chu Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH dầu khí Quảng Bình đã ký Công văn số 06 gửi Công an tỉnh Hà Tĩnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Hiệp hội Gas tỉnh này, phản ánh về việc Công ty đã kinh doanh khí hóa lỏng LPG tại thị trường Hà Tĩnh từ ngày 12/1/2022 nhưng đến nay chưa được gia nhập vào Hiệp hội Gas Hà Tĩnh, nên việc quản lý bình gas gặp rất nhiều khó khăn.
Bức xúc nạn “cưa tai mài bình” - Doanh nghiệp tố lên cơ quan chức năng. |
Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp này thì qua kiểm tra, theo dõi của bộ phận kinh doanh, công ty phát hiện có một số tổ chức, cá nhân kinh doanh gas trên địa bàn Hà Tĩnh đã tự động thu gom, vận chuyển, mua bán trái phép, hủy hoại vỏ bình gas mang các thương hiệu Green Petrol Gas QTH, Thành Lợi Gas và Petrol Power CHH Gas, là các thương hiệu mà công ty đang sở hữu độc quyền. Thậm chí, đã có một số hình ảnh ghi nhận, vỏ bình gas của các thương hiệu này đang bị đập phá hư hỏng để đưa đi bán với giá sắt vụn.
Hành vi này diễn ra khi không được sự cho phép, ủy quyền từ phía Công ty TNHH Dầu khí Quảng Bình, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây thất thoát lớn đến tài sản của công ty. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Hay trước đó, tại địa phương này, liên tiếp nhiều vụ việc được các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện xử lý.
Đơn cử, vào đầu tháng 6/2021, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Trung Tín, trú tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, đại diện cho các đại lý kinh doanh gas trên địa bàn Hà Tĩnh, phản ánh việc trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng LPG (gas) đang xảy ra những vấn đề rất nghiêm trọng, gây bức xúc cho các đại lý kinh doanh gas.
Tháng 7/2021, Công ty TNHH MTV Tân Thành 8 - Chi nhánh LPG Hà Tĩnh cũng đã có đơn gửi cơ quan chức năng trên địa bàn này, cho rằng hiện nay một số cá nhân, tổ chức đã có hành vi thu gom, vận chuyển, mua bán, chiếm hữu trái phép và tiêu hủy bình gas mang thương hiệu Việt Thái Gas (là nhãn hàng được phân phối độc quyền bởi công ty) gây ra tổn thất nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.0
Đến ngày 16/9/2021, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phát hiện tại một kho hàng ở xã Sơn Diệm, 750 vỏ bình gas LPG mang các nhãn hiệu Việt Thái Gas và Green Petrol Gas QTH không có hóa đơn chứng từ nên đã tạm giữ để xác minh, xử lý. Trước đó, tháng 5/2021 Công an huyện Can Lộc đã phát hiện và thu giữ 252 chai LPG của nhiều doanh nghiệp kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh, do 1 cá nhân tự thu mua. Công an huyện Can Lộc đã xử lý theo quy định và trả lại chai LPG cho các doanh nghiệp có quyền sở hữu số chai LPG nói trên.
Lực lượng chức năng thu giữ và xử lý việc chiếm dụng bình gas trái phép của một doanh nghiệp tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh |
Đại diện các đại lý kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng trên địa bàn, trong đó nêu rõ:
Hiệp hội Gas Hà Tĩnh đang liên kết, tạo thế độc quyền, chỉ cho các công ty trong hiệp hội được bán sản phẩm bình gas ra thị trường, không cho các đại lý lấy hãng gas khác rẻ hơn, chất lượng hơn. Khi các đại lý nhập gas từ các doanh nghiệp không nằm trong Hiệp hội thì bị đơn vị này cử người đến dọa cắt hợp đồng, gây khó khăn bằng cách uy hiếp, ngăn cấm không được nhập gas từ các doanh nghiệp ngoài hiệp hội.
Ngoài ra, khi tham gia Hiệp hội Gas Hà Tĩnh, mặc dù không quy định bằng văn bản, nhưng giữa các thành viên trong Hiệp hội Gas Hà Tĩnh có “thỏa thuận ngầm” về việc phân phối, phân chia sản lượng LPG chai giữa các thành viên. Được biết, một số doanh nghiệp kinh doanh gas mới thâm nhập thị trường mong muốn được gia nhập hiệp hội nhưng không được đồng ý. Đây cũng chính là những doanh nghiệp bị chén ép, thậm chí là bị thu mua bình gas để "cắt tai mài vỏ" hoặc bị tiêu hủy.
Trong đơn tố cáo còn nêu rõ, trong quá trình hoạt động kinh doanh gas trên địa bàn một số đơn vị còn hoạt động chiết lậu gas, xuất hàng hoá không hoá đơn gây thất thoát và thiệt hại rất lớn cho nhà nước.
Để siết chặt quản lý tình trạng này, ngày 16/8/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký ban hành Công văn 5310/UBND-KT gửi các Sở, ngành Công Thương, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành thị và Hiệp hội Gas Hà Tĩnh.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh gas. Trong đó, chú trọng hành vi buôn lậu, bán phá giá, chiết nạp, chiếm giữ, mua bán, trao đổi, lưu trữ, thu gom chai LPG trái phép. Công an tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến bảo kê, lợi ích nhóm và vận chuyển, chiết nạp, giả nhãn hiệu, hoán cải bình gas không đúng pháp luật.
Đại diện Công ty Xăng dầu Nghệ An cho hay, các doanh nghiệp thu gom trái phép vỏ bình mua khoảng 180.000 đồng - 200.000 đồng/vỏ, sau đó họ cắt tai, mài vỏ, sơn lại và dán nhãn mới chỉ hết khoảng 100.000 đồng/vỏ. Tổng chi phí để chế lại mỗi vỏ bình khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, giá thành một vỏ bình gas mới là hơn 570.000 đồng, mức chênh lệch hơn 200.000 đồng/vỏ. |