Hà Nội: Cháy lớn ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội: Cháy lớn gần Đại học Kinh doanh và Công nghệ, lửa đỏ rực Hà Nội: Cơ hội bứt phá dòng vốn đầu tư khi Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực |
Vào ngày 11/10, hộp thư Bạn đọc của Báo Công Thương phản ánh việc Dự án làm đường ngay sau Trường Trung học cơ sở Phú Diễn A (thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đang triển khai có nhiều dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, đoạn đường kéo dài từ Trường Trung học cơ sở Phú Diễn A đến gần khu vực chùa Bụt Mọc dài hàng trăm mét được lấp đầy phế thải (hay còn gọi là trạc thải), bao gồm: các bao tải, nệm mút, túi ni lông, gạch vỡ, xi măng… được đổ vào Dự án này.
Dự án xây dựng tuyến đường nối đường Đức Diễn đi khu thiết chế công phường Phú Diễn có mức đầu tư khoảng 48 tỷ được làm đường tạm bằng phế thải. Ảnh: Đoàn Tuấn |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trong nhiều ngày, xe tự chế và xe tải chở phế thải đổ vào khu vực của Dự án.
Trong đó, vào sáng ngày 4/10, phóng viên ghi nhận một xe tự chế chở phế thải bao gồm bao tải, xà bần, túi ni lông... đổ vào dự án trước hàng chục công nhân và máy múc đang thi công tại công trường khiến người dân ở cạnh dự án đều ngạc nhiên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành – Phó chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Trường Sơn (Công ty Trường Sơn) – đơn vị nhà thầu thi công Dự án cho biết, đây là Dự án xây dựng tuyến đường nối đường Đức Diễn đi khu thiết chế công phường Phú Diễn do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư có mức đầu tư khoảng 48 tỷ đồng.
Nói về việc Dự án được lấp đầy phế thải, ông Thành lý giải, trong quá trình thi công nhà thầu đã phát hiện nền đất tại dự án yếu và sụt lún, xe trọng tải lớn không thể đưa vật liệu vào công trường nên đã dùng phế thải làm đường tạm.
Theo ông Thành, công ty đã báo cáo tình huống này với chủ đầu tư dự án và mua toàn bộ phế thải với hơn 1.000 m3 để làm đường tạm. Khi thi công đến đâu sẽ múc phần phế thải khi đường tạm trước đó đổ đi.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về phương án đổ phế thải làm đường tạm đã được cơ quan nào chấp thuận, ông Thành cho biết, việc này đã được chấp thuận bằng văn bản…
Hàng nghìn m3 phế thải được đổ vào Dự án làm đường tạm. Tuy nhiên, việc làm này có đúng quy trình, đảm bảo yếu tố kỹ thuật hay không còn là một dấu hỏi lớn. Ảnh: Đoàn Tuấn |
Tuy nhiên, trong văn bản mà phía đơn vị thi công cung cấp chỉ có sự thống nhất giữa Công ty cổ phần xây dựng và chuyển giao công nghệ Hồng Hà VINA (Công ty Hồng Hà VINA) - đơn vị giám sát và Công ty Trường Sơn ký với nhau về phương án làm đường tạm; không có sự đồng ý, chấp thuận của chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Cụ thể, tại biên bản đề xuất biện pháp thi công được Công ty Trường Sơn và Công ty Hồng Hà VINA ký vào ngày 5/6, tại phần ghi đại diện của biên bản bỏ trống không ghi tên, chức vụ người đại diện thuộc Công ty Hồng Hà VINA tham gia lập biên bản.
Ngoài ra, tại cuối văn bản đề xuất biện pháp thi công chỉ có chữ ký của ông Chu Trường Lộc không rõ chức năng, nhiệm vụ gì và không được đóng dấu đỏ thể hiện tính pháp lý của phía Công ty Hồng Hà VINA.
Trước câu hỏi của Báo Công Thương về việc đổ phế thải làm đường tạm có trong phương án thi công Dự án hay không?, đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho biết, đây là tình huống mới phát sinh, phía Ban đã nhận được câu hỏi từ phía chính quyền địa phương về việc vì sao lại đổ phế thải vào dự án?
“Thời gian qua, mưa rất nhiều, lầy lội không thể làm được, bắt buộc phải thực hiện biện pháp thi công trên. Khi thi công thì cống hộp thấp hơn phần đổ trạc nên bắt buộc phải múc phần trạc đi. Trạc thải sẽ được thu gom lại và được ký kết với một đơn vị xử chở đến các bãi được thành phố chấp thuận”, vị đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho biết thêm.
Phương án đổ phế thải làm đường tạm chỉ có sự thỏa thuận giữa hai công ty Trường Sơn và Công ty Hồng Hà VINA, không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng liệu có đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch trong thi công Dự án?
Đề nghị các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc thi công Dự án nói trên để tránh tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, “đánh bùn sang ao” khi phế thải được đổ vào làm đường tạm liệu có được thu hồi đúng quy định, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trong thi công.