Thương mại quốc tế chiếm tỷ lệ trong GDP toàn cầu đã ngừng tăng trưởng trong thập kỷ qua. Thương mại thế giới tăng 1,9%, trong khi GDP toàn cầu tăng 2,3% năm 2016. Động lực tự do hóa thương mại ở cấp độ đa phương đã chững lại, Vòng đàm phán Doha bị trì trệ, ngay cả Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại chỉ vừa có hiệu lực từ ngày 22/2/2017.
Xu hướng chống toàn cầu hóa đã diễn ra ngay ở EU - khối liên minh có 28 nước thành viên hình thành nên thị trường chung cho phép lưu chuyển tự do mà không có thuế quan với hàng hóa và con người. EU cũng là một liên minh hải quan thống nhất sử dụng thuế chung với hàng hóa của các nước ngoài khối. Khi những người Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU với tỷ lệ 51,9% và 48,9%, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May muốn đẩy nhanh tiến trình Brexit vào cuối tháng 3/2017.
Ảnh Internet |
Cũng trong bối cảnh đó, EU và ASEAN đang đặt vấn đề nối lại đàm phán một FTA giữa hai khối. Nhìn lại một thập kỷ từ 2005-2015, EU-28 chiếm 13% xuất khẩu của ASEAN, trong đó nước Anh chỉ chiếm 1,5% xuất khẩu của ASEAN năm 2015. Các sản phẩm xuất khẩu chính của ASEAN sang EU vẫn là máy móc điện tử (25%), máy móc (15%), quần áo (8%) và giày dép (6%). Trong cùng giai đoạn này, có 10% nhập khẩu của ASEAN đến từ EU-28 bao gồm máy móc (20%), máy móc điện tử (16%), máy bay (5%), phương tiện (5%) và dược phẩm (5%). Năm 2015, chỉ có 1,1% tổng nhập khẩu của ASEAN đến từ nước Anh. Riêng về đầu tư, EU chiếm tới 19% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở ASEAN trong 10 năm 2005-2015. Các nhà đầu tư EU đi đầu vào ASEAN là Hà Lan (6%), Anh (4%), Lucxembua (3%), Pháp (2%), Đan Mạch (1%) trong tổng FDI của thế giới vào ASEAN. EU đầu tư chủ yếu vào bán buôn và bán lẻ, tài chính và bảo hiểm, khai khoáng, thông tin, viễn thông và bất động sản.
Như vậy, dù Brexit có xảy ra hay không thì EU vẫn là một thị trường chủ chốt đối với ASEAN. Nhưng EU chưa bao giờ là mô hình lý tưởng của ASEAN. Với mức độ phát triển khác nhau giữa các nước thành viên trong ASEAN (về GDP bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người, chỉ số logistics, nghiên cứu và phát triển, sự phụ thuộc tài chính và các chỉ số kinh tế chính khác), ASEAN không có ý định trở thành một liên minh hải quan và một thị trường chung như EU. ASEAN hướng tới trở thành một cơ sở sản xuất thống nhất ở Đông Á, và Cộng đồng kinh tế ASEAN rất quan trọng với sự lưu chuyển của thương mại hàng hóa, đầu tư và lao động kỹ năng.
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 2005-2015, ASEAN chiếm 2% tổng xuất khẩu của EU và 3% tổng nhập khẩu của EU đến từ ASEAN. Nếu nhìn lại ba thập kỷ qua, 5 trong 7 nước thu được giá trị gia tăng trong ngành chế biến là các nước đang phát triển gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Đến năm 2050, có 6 trong 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới là các nền kinh tế mới nổi hiện nay; Indonesia sẽ lớn thứ tư, trong khi Philipines, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia sẽ nằm trong nhóm 25 cùng với Đức, Anh, Pháp và Italia. Vì vậy, sẽ có sự dịch chuyển về nguồn tăng trưởng kinh tế và thương mại.
Thứ hai, từ góc độ hợp tác thương mại, ASEAN là khu vực tích cực. Khối này đã thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 trước khi WTO được thành lập năm 1995, và đã ký Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009. Hiện nay, thách thức chính của ASEAN là thúc đẩy hội nhập hơn nữa trong khối và giải quyết các biện pháp phi thuế quan với các đối tác thương mại. Số lượng các biện pháp phi thuế quan không phản ánh mức độ bảo hộ, nhưng đặt ra vấn đề minh bạch hóa trong thương mại ở khu vực. Sáng kiến nhằm cải thiện minh bạch hóa về các biện pháp phi thuế quan trong ASEAN diễn ra khá chậm ở giai đoạn đầu vì vấn đề này liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong hợp tác ASEAN-EU.
Tại Hội nghị tham vấn ASEAN-EU được tổ chức ngày 10/3/2017 tại Manila, hai bên đã thống nhất mở lại các đàm phán một hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU. Đây là một mục tiêu lạc quan và nhiều thách thức. Một hiệp định ASEAN-EU sẽ đặt ra nhiều vấn đề lớn ở hầu hết các nước ASEAN, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh, quy định lao động, quy định môi trường liên quan đến thương mại. Trong đó có một nội dung mà ASEAN và EU bắt đầu triển khai dù có hiệp định thương mại giữa hai bên hay không, đó là phải rà soát thường xuyên các biện pháp phi thuế quan. Dữ liệu về các biện pháp phi thuế quan của ASEAN hiện đã được đăng tải công khai trên trang web http://asean.i-tip.org, và tất cả các quy định về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu của các nước EU được đăng tải trên trang http://exporthelp.europa.eu. Những dữ liệu này là cơ sở minh bạch hóa của các quy định liên quan đến thương mại ở hai khu vực, cho phép doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về giấy phép, điều kiện xuất nhập khẩu ở 10 nước ASEAN và 28 nước EU.