Nỗ lực vượt khó
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV BSR - cho biết, 7 tháng đầu năm 2016 là khoảng thời gian đầy khó khăn và thách thức cho hoạt động của công ty khi giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng cách giữa giá dầu thô và sản phẩm bị thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự chênh lệch thuế bất lợi, sự bất bình đẳng của sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất so với các nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA chưa được tháo gỡ. Cộng với việc điều chỉnh cách tính thuế nhập khẩu theo cách tính bình quân gia quyền trong tính giá cơ sở khiến công ty gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Khó khăn là vậy nhưng sau 7 tháng đầu năm 2016, NMLD Dung Quất luôn hoạt động liên tục, an toàn, ổn định, làm chủ công nghệ ở 103-105% công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, công ty đã sản xuất đạt 3,99 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch 7 đầu năm và đạt 68% kế hoạch năm); doanh thu thuần đạt hơn 40 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 6,90 nghìn tỉ đồng.
Song song đó, BSR cũng khẩn trương triển khai việc nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm (hiện tại) lên 8,5 triệu tấn/năm theo thiết kế mới. Đến nay, đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất phục vụ thiết kế tổng thể (FEED); hoàn thành 98,8% hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng; Công tác lập thiết kế tổng thể đạt 38,4%; đã lựa chọn và ký 7/7 hợp đồng bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mở rộng của nhà máy. BSR cũng đang chủ động và quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của PVN về công tác cổ phần hóa.
Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của công ty là tiếp tục tổ chức quản lý vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, hiệu quả ở công suất thiết kế. Chủ động, linh hoạt trong phân tích, đánh giá thị trường, điều kiện khách quan, chủ quan của BSR để kịp thời ứng phó với biến động của giá dầu, giá sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng và các vấn đề khác ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung cao độ vào công tác tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu lượng hàng, nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng tồn kho; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo…
Thay mặt Ban lãnh đạo BSR, Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét điều chỉnh cơ chế chính sách cho BSR, tạo sự cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu để nhà máy duy trì sản xuất ổn định, liên tục và có hiệu quả cao nhằm thu hút các đối tác, nhà đầu tư trong việc NCMR thành công NMLD Dung Quất cũng như hoàn thành công tác cổ phần hóa BSR.
Động lực phát triển khu kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất trong bối cảnh diễn biến bất lợi của thị trường và giá dầu thế giới, nhất là thời gian từ đầu năm 2016 đến nay. Kết quả này đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.
Trong suốt 7 năm qua, nhà máy đã vận hành an toàn tuyệt đối. Nhân lực người Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ vận hành nhà máy và được các nhà bản quyền công nghệ UOP (Mỹ), Axens (Pháp), các nhà bảo hiểm hàng đầu thế giới cấp chứng chỉ vận hành xuất sắc. Nhà máy được thiết kế theo chuẩn quốc tế, có hệ thống quản trị tiên tiến với trên 2.000 hệ thống, quy trình quản lý chuẩn để đảm bảo nhà máy lọc dầu vận hành an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, BSR cũng đang sở hữu mô hình quản lý minh bạch và rõ ràng. Khi dự án mỏ khí Cá Voi Xanh được đưa vào triển khai tại Quảng Nam, với mô hình quản lý minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại, cộng với nền tảng sẵn có của ngành dầu khí, BSR được kỳ vọng sẽ là “cầu nối” quan trọng, tiếp nhận nguồn dầu thô được khai thác từ mỏ khí này và xử lý thành sản phẩm hoàn chỉnh, từ đó xây dựng chuỗi liên kết vững chắc từ đầu vào đến cuối sản phẩm, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Đây được đánh giá sẽ là nền tảng và động lực để phát triển khu kinh tế Chu Lai nói riêng và vùng kinh tế trọngđiểm miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Thời gian qua, sự cố môi trường tại Formosa đã khiến dư luận rất quan ngại về công nghệ xử lý môi trường tại các dự án lớn. Tuy nhiên, ngay từ khi mới mới đi vào vận hành sản xuất, BSR đã rất coi trọng việc sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường khi đầu tư những công nghệ hiện đại nhất để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, môi trường xung quanh khu vực nhà máy luôn được đảm bảo, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Thủ tướng nhận định, đây chính là hình mẫu về việc bảo vệ môi trường của những dự án công nghiệp hiện đại, quy mô lớn của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và hoan nghênh. Tôi đánh giá cao bộ máy lãnh đạo BSR, cán bộ, nhân viên đã đoàn kết phấn đấu không mệt mỏi để có những kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh cũng như nộp ngân sách Nhà nước. NMLD Dung Quất là dự án đầu tiên, hình mẫu cho ngành công nghiệp lọc - hóa dầu của Việt Nam, động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đây là bông hoa đẹp không chỉ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tỉnh Quảng Ngãi mà là của đất nước”.
Về kiến nghị mức chênh lệch thuế xuất nhập khẩu xăng dầu làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh từ BSR, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ đưa vấn đề ra Thường trực Chính phủ theo hướng ủng hộ BSR để đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh của doanh nghiệp hài hòa với lợi ích của đất nước.
Chia sẻ về việc BSR là đơn vị đầu tiên của ngành dầu khí được Thủ tướng đến thăm và làm việc sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Hoài Giang khẳng định, việc này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhà máy trong nền kinh tế đất nước. Đây là vinh dự và niềm tự hào lớn lao cho tập thể lãnh đạo và công nhân viên công ty, cũng là động lực để BSR cố gắng vượt qua khó khăn, đạt những thành tích cao hơn trong thời gian tới.