Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tập trung 6 giải pháp phát triển nguồn nhân lực bắt kịp đòi hỏi công nghiệp hoá
Thị trường lao động phải điều chỉnh để bắt kịp xu hướng phát triển mới
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và làm bộc lộ rõ nét hơn nhiều vấn đề bất cập của phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và gần đây nhất là xung đột giữa Nga và Ucraina…đã thúc đẩy các ngành, trong đó có ngành Công Thương tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực. Từ đó, đòi hỏi thị trường lao động trong các ngành này cũng phải được điều chỉnh tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới.
Dự đoán trong giai đoạn mới, để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, công nghiệp Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ngành có tính chất nền tảng, then chốt như: Công nghiệp vật liệu, hỗ trợ, cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử và hóa chất. Đồng thời, trong chuỗi phát triển công nghiệp sẽ tập trung nâng cấp các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế cạnh tranh quốc tế, như: Dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm...
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ và làm chủ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng cũng sẽ được chú trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập |
Trong lĩnh vực thương mại: Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối hàng hóa sang các loại hình phân phối hiện đại gắn với đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa.
Trong hoạt động xuất khẩu hướng mạnh vào xuất khẩu hàng hóa chế biến sâu, chất lượng cao, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và các FTA để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại.
Với các xu hướng phát triển như trên, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (với nền tảng công nghệ thông tin, sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo) có thể nhận thấy sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu ngành nghề, việc làm và phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật số, công nghệ cao và tự động hóa. Xu hướng phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và các chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics đang làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu và diện mạo, phương thức kinh doanh thương mại, đem lại sự tiện lợi, linh hoạt trong lĩnh vực phân phối, trao đổi, mua sắm và tiêu dùng.
“Xu hướng phát triển mới này đòi hỏi cấp thiết phải có “hệ sinh thái” cho thương mại điện tử và thương mại trực tiếp cùng tồn tại, phát triển đối với cả thương mại nội địa và thương mại quốc tế. Trong “hệ sinh thái” đó rất cần nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ cao, có kinh nghiệm giao thương quốc tế, am hiểu sâu sắc thị trường, đối tác và phương thức kinh doanh, nhất là tác nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và hệ sinh thái số” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhận định nhu cầu lao động có kỹ năng, trình độ cao sẽ tăng mạnh; người lao động trong nước, nhất là lao động có trình độ, tay nghề sẽ có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động rộng lớn, hiện đại, chuyên nghiệp hơn... nhưng cũng đồng thời thu hẹp quy mô việc làm của các ngành sử dụng lao động phổ thông (dệt may, da giày...). Người lao động thiếu kỹ năng, chưa qua đào tạo sẽ khó khăn trong tiếp cận việc làm.
“Đây cũng là “điểm nghẽn” rất khó khắc phục trong ngắn hạn bởi sự chuyển đổi từ lao động phổ thông, thiếu kỹ năng, chưa qua đào tạo sang lực lượng lao động được đào tạo, có tay nghề và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Đẩy mạnh 6 giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển thị trường lao động
Để khắc phục các “điểm nghẽn” thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập , có sự liên thông với các thị trường khác đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại trong tình hình mới, dưới góc ngành Công Thương xin đề xuất một số giải pháp sau:
Trước hết, trong ngắn hạn, Việt Nam chúng ta cần đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để người dân, doanh nghiệp có điều kiện tham gia phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống, sinh hoạt cho người lao động.
Thứ hai, tập trung xây dựng chính sách dài hạn hấp dẫn để duy trì được lực lượng lao động đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng, có trình độ, kiến thức, kỹ năng để có thể tận dụng và phát huy được những thay đổi đang diễn ra như chế độ tiền công, lương thưởng, xây dựng môi trường làm việc, phương tiện, điều kiện làm việc… Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đào tạo và đào tạo lại ngay tại doanh nghiệp và nơi làm việc, nâng cao tay nghề và kỹ năng làm việc thích ứng với công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần bám sát tình hình, sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, ngành nghề, phương thức sản xuất kinh doanh...để xây dựng, cập nhật chiến lược, kế hoạch, mô hình đào tạo phù hợp, hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị |
Thứ ba, tập trung khắc phục tình trạng mất cân đối lao động giữa các vùng, miền thông qua việc cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, phát triển. Các địa phương cần có chiến lược thu hút đầu tư phát triển cân đối theo hướng có trọng điểm, một mặt dựa vào lợi thế, đặc điểm tự nhiên, nhưng cũng có sự khuyến khích phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực, để vừa tranh thủ thu hút thêm vốn đầu tư, tạo việc làm tại chỗ, hạn chế di cư lao động, vừa có sự đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất, vừa phòng tránh rủi ro bởi tác động của các yếu tố khó lường như đại dịch Covid - 19 vừa qua.
Thứ tư, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về lao động, kết nối cung - cầu lao động, chính sách an sinh và bảo hiểm lao động để phù hợp với quy luật của thị trường và với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Đổi mới chính sách xuất khẩu lao động, khuyến khích kết hợp xuất khẩu gắn với đào tạo lao động tay nghề cao ở thị trường nước ngoài theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp đưa người lao động và thực tập sinh sang các thị trường có các ngành công nghiệp tiên tiến để vừa giải quyết được vấn đề việc làm, vừa hình thành được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và khả năng quản trị doanh nghiệp sau khi về nước
Thứ năm, phát huy vai trò của công đoàn, các tổ chức đại diện người lao động cũng như các hiệp hội ngành nghề trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế. Đồng thời, mở rộng kết nối, cung cấp thông tin và tư vấn pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thứ sáu, cần thiết lập cơ chế phối hợp có trách nhiệm, nhịp nhàng giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc phát triển ngành nghề, định hướng thu hút nguồn nhân lực, thiết kế thị trường, phân bổ, vận hành và điều tiết thị trường lao động. Đẩy nhanh việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm để các bên liên quan ket nối, chia sẻ và khai thác nhằm chủ động trong dự báo và xây dựng các kịch bản ứng phó trong ngắn hạn, trung và dài hạn cho thị trường lao động.