Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng “1 vốn nhà 4 vốn người”
Tập trung tái cấu trúc theo hướng tinh gọn
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sáng ngày 3/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu những kiến nghị đối với các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra đối với ngành Công Thương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào tái cấu trúc về tổ chức bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn. Ảnh: VGP |
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các doanh nghiệp tập trung vào tái cấu trúc về tổ chức bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển; có chiến lược, kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước theo công thức “1 vốn nhà 4 vốn người” để có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, tháo gỡ vướng mắc, mạnh dạn đề xuất các cơ chế chính sách đủ mạnh để khai thông những điểm nghẽn như phát triển năng lượng mới, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất chất bán dẫn và một số nguyên liệu mới để thay thế nguyên liệu hóa thạch.
Đồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước cần bám sát hơn quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các quy hoạch ngành quốc gia để có những đề xuất dự án đầu tư mới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực huy động nguồn lực trong nước kết hợp nguồn lực từ các đối tác chiến lược, bám sát các định hướng chính sách đối ngoại của Chính phủ, thu hút nguồn lực từ các đối tác có thế mạnh lớn về vốn, công nghệ, quản trị ở tầm thế giới.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các Tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước tập trung triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển điện nền, các nguồn năng lượng mới, phát triển hệ thống lưu trữ điện, lưới điện thông minh và phát triển hydrogen, amoniac xanh.
Tạo ra động lực, dư địa mới cho các tập đoàn, tổng công ty phát triển
Để phát huy được vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị với Trung ương và Chính phủ một số biện pháp cụ thể:
Thứ nhất, sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương còn lại, cũng như phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, cũng như các chiến lược vùng quốc gia, tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Những quy hoạch này khi được phê duyệt sẽ tạo ra động lực, dư địa mới cho các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương phát triển.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho một số lĩnh vực như: Điện khí, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời áp mái, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất chíp và chất bán dẫn, sản xuất, điều chế hydrogen, amoniac xanh.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế phát triển doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, sửa đổi Nghị định 10 (năm 2019) và các quy định về phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ cho các tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời, có cơ chế đặt hàng, giao các tập đoàn, tổng công ty có năng lực, kinh nghiệm, triển khai các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư vào những lĩnh vực và địa bàn nhạy cảm như khai thác dầu khí, điện gió ngoài khơi…
“Tóm lại, rất cần đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hệ mục tiêu thay vì hệ giải pháp như hiện nay. Tăng nhiều quyền tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời cần có chiến lược để xây dựng, nuôi dưỡng, phát triển các thương hiệu quốc gia, làm động lực và đầu kéo cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Cuối cùng, Lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm nguồn lực, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp nhà nước triển khai hiệu quả các dự án đầu tư.
Đại diện các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP |
Không thể phát triển một cách ngẫu hứng hay ồ ạt điện mặt trời áp mái
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng trả lời những nội dung kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của ngành Công Thương của các tập đoàn, tổng công ty.
Theo đó, về Tập đoàn Xăng dầu đề nghị Chính phủ đổi mới cơ chế quản lý quỹ xăng dầu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 83, 95 và mới đây nhất là Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu, theo hướng trao việc điều hành xăng dầu hay nói cách khác là thị trường nhiều hơn trong quá trình quản lý kinh doanh mặt hàng này, đương nhiên có vai trò của Nhà nước thông qua duy trì quỹ bình ổn nhưng ở trần cao chứ không như trần hiện nay.
Về cơ chế bảo quản, dự trữ xăng dầu quốc gia, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng lại định mức của phí bảo quản kinh doanh xăng dầu, xây dựng cơ chế để có đầu tư đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia.
Đối với cơ chế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh xăng dầu, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm và đang triển khai áp dụng với các đơn vị đầu mối và thương nhân phân phối. Hiện nay, trên 50% số cửa hàng bán lẻ đã áp dụng hóa đơn điện tử.
Về cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu, tổng nguồn điện của quốc gia đến năm 2030 đã được xác định, trong đó cơ cấu nguồn điện được phân bổ rõ.
“Nếu bây giờ chúng ta phát triển mạnh điện mặt trời áp mái trong khi không điều tiết được, không có được nguồn điện nền đủ bảo đảm huy động ổn định hệ thống điện, đây là một thách thức. Các quốc gia trên thế giới kể cả những quốc gia phát triển cũng không thể phát triển một cách ngẫu hứng hay ồ ạt điện mặt trời áp mái”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết thêm, nếu điện áp mái mà không có lưới, không lệ thuộc vào hệ thống điện quốc gia, không sử dụng vào nguồn điện nguồn quốc gia thì đó là bình thường, nhưng nếu vừa sử dụng nguồn điện quốc gia, vừa khai thác, phát triển điện áp mái thì đó là một thách thức không hề nhỏ đối với an ninh năng lượng điện của mỗi quốc gia.
Đối với vấn đề của Tổng công ty Lương thực miền Bắc nêu việc xuất khẩu gạo khó khăn do giá xuống, một số nước không chào gạo Việt Nam, một số thương nhân bỏ kèo khi mua hàng của bà con, Bộ trưởng nhìn nhận đây là hiện tượng có thật, song suy cho cùng vẫn là do chúng ta.
“Bằng giờ này năm ngoài, chúng tôi đã cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trong miền Nam đã nói rất rõ điều này. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục bàn và tham mưu Thủ tướng giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam, các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực này phải là đầu tầu trong việc kiểm soát được giá, cũng như kiểm soát chất lượng đầu vào, có như vậy chúng ta mới có được bạn hàng, mới kinh doanh hiệu quả trong tương lai”, Bộ trưởng nói.
"Còn về việc đề xuất cho Chính phủ mua dự trữ gạo trong thu hoạch chính vụ giúp cho nông dân có giá cao, giúp cho kinh doanh ổn định thì đây là kinh nghiệm đúng và Bộ Công Thương xin được tiếp thu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.