Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Sẽ phối hợp với Bộ Công an rà soát Luật Đường bộ
Rà soát 2 dự án luật để không bị trùng lặp
Ngày 24/11, giải trình tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng để chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng |
Về vấn đề chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, có đại biểu đề nghị hai cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn nội hàm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, từng nội dung cụ thể để quy định mỗi dự thảo luật cho phù hợp, hạn chế sự chồng chéo, tạo thuận lợi trong việc thi hành luật.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát, chỉnh lý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi trong áp dụng pháp luật” - Bộ trưởng nói.
Vấn đề giải thích từ ngữ, ông Thắng cho rằng, nhiều đại biểu có ý kiến rà soát, chuyển các nội dung có tính chất giải thích từ ngữ trong các điều luật cụ thể ở Điều 3 để quy định giải thích từ ngữ tập trung, đầy đủ thống nhất và dễ nghiên cứu áp dụng.
“Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát quy định về các cách giải thích từ ngữ theo hướng các thuật ngữ quy định tại Điều 3 là các thuật ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo luật. Các thuật ngữ chỉ sử dụng tại điều khoản cụ thể sẽ được đưa vào điều cụ thể đó để thuận lợi trong quá trình áp dụng” - ông Thắng nói và cho biết, nội dung này Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.
Về tên gọi của Luật, trước nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm rõ: Khi bàn về nội dung này, Chính phủ đã họp rất kỹ lưỡng và đã ban hành nghị quyết của Chính phủ về tên gọi của Luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận ban hành Nghị quyết 89 về vấn đề này.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta có luật khác khá tương đồng như Luật Đường sắt mà đang áp dụng ổn định. Dù là Luật Đường sắt nhưng trong đó có đầy đủ toàn diện hoạt động của đường sắt.
Theo Bộ trưởng Thắng, với Luật Đường bộ, có một điều rất quan trọng là phạm vi điều chỉnh. Do đó, ông đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý còn tên gọi thì ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Nghiên cứu thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư
Về nguồn tài chính đầu tư, xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng, có đại biểu đề nghị làm rõ việc sự cần thiết bổ sung thu phí đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại nghị quyết phê duyệt đầu tư các đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động...
“Các tuyến đường do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành cho phép người dân có quyền lựa chọn. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn như tiết kiệm chi phí nhiên liệu, khấu hao phương tiện” - ông Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hình thức thu phí đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và đường bộ cao tốc. Để phù hợp giữa mức phí và chất lượng dịch vụ, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì chi phí phải cao hơn, người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định này.
“Mức thu sẽ được đảm bảo phù hợp điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp chất lượng dịch vụ, đảm bảo hoàn vốn Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo chi phí bảo trì hàng năm” - ông Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, một số quốc gia đã áp dụng việc thu phí đường cao tốc Nhà nước làm và chúng ta cũng nên tính toán để đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là bối cảnh ngân sách còn hạn chế.
“Hiện nay, thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35-45% nhu cầu bảo trì, nếu như hệ thống đường cao tốc đưa vào sử dụng mà chúng ta không thu phí thì sẽ thiếu một khoản kinh phí khổng lồ trong bảo trì” - ông Thắng nói.
Về quy định chung đối với đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, có ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định khi đầu tư xây dựng đường, cao tốc thì phải đồng bộ; Có thể phân kỳ để đầu tư nhưng đầu tư xong đoạn nào thì phải đồng bộ luôn đoạn đó, đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, đã có quy định tại khoản 2 Điều 50 và tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện.
Theo Bộ trưởng, ở phiên trả lời chất vấn trước, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận về vấn đề này và Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải trong quý I/2024 phải ban hành Quy chuẩn thiết kế đường cao tốc.
Về đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc, có ý kiến đề nghị xem xét quy định bồi thường hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo quy mô, quy hoạch tại khoản 4 Điều 50, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ thực tiễn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho thấy, giải phóng mặt bằng luôn là nội dung rất phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, chính sách, đơn giá bồi thường luôn được điều chỉnh, nếu chỉ giải phóng mặt bằng với quy mô phân kỳ, địa phương rất khó quản lý phần diện tích còn lại chưa giải phóng. Hơn nữa việc thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung khi mở rộng quy hoạch rất phức tạp; Kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều so với giải phóng mặt bằng thực hiện một lần.
Ngoài ra, đối với đường cao tốc phải đầu tư hệ thống đường gom, đường bên; đường gom phải được xây dựng ngoài phạm vi đất dành cho cao tốc nên không thể quản lý phần diện tích đất nằm xen kẹt giữa đường gom và đường cao tốc.
Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong thực tiễn, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số đường cao tốc, Quốc hội đã quy định việc giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy hoạch.
“Như vậy, việc thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch vừa là chính sách nhằm phát triển đường cao tốc (chỉ áp dụng đối với dự án đường cao tốc), vừa là chính sách đã được thực hiện, đúc rút kinh nghiệm trong thời gian qua” - Bộ trưởng khẳng định.