Thứ ba 05/11/2024 15:19

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải đáp nhiều nội dung về phát triển thương mại điện tử

Chiều 4/6, tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề phát triển thương mại điện tử.

Nhiều kiến nghị thúc đẩy phát triển lành mạnh thương mại điện tử

Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn TP Hồ Chí Minh chất vấn, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của quốc gia chúng ta. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động, nhất là đối với các thành phố lớn, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội hiện nay rất phức tạp.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới để hạn chế và ngăn chặn hoạt động của thương mại điện tử và hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này nhằm hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. "Bộ trưởng sẽ triển khai những giải pháp như thế nào? Đồng thời cũng đề nghị liên quan đến vấn đề này thì việc triển khai thu thuế trên lĩnh vực thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ được thực hiện như thế nào?" - đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Mai Khanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho hay, Bộ Công Thương hiện công khai danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử. "Xin hỏi việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không và Bộ đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai" - đại biểu nói.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn TP. Hà Nội gửi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương hai câu hỏi: Thứ nhất, một trong những vấn đề hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, trong đó vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề nêu trên.

Đại biểu Mai Khanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, theo khảo sát của Hiệp hội Công Thương tại 6 tỉnh, thành phố với 127 doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó có 69,99% doanh nghiệp mất hai tháng để hoàn tất thủ tục pháp lý cho kinh doanh và hơn 70% doanh nghiệp cho biết là thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp và chậm ở tất cả các khâu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục vấn đề nêu trên.

3 thách thức rất lớn trong thương mại điện tử

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thương mại điện tử, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp, chưa được kiểm soát chặt chẽ, đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thất thu thuế thì không thể không thừa nhận còn một tỷ lệ đáng kể.

Phân tích từng thách thức, Bộ trưởng cho rằng, việc bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân đúng là có tình trạng lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không được phổ biến.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này và đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 để hướng dẫn thi hành luật.

Trong đó, có bổ sung một nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng như: Phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay và hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Thời gian tới để khắc phục thực trạng này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật về Nghị định hướng dẫn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Về thách thức thứ hai bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ hàng Việt, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, đại biểu đã phản ánh rất đúng về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử thâm nhập vào thị trường của chúng ta ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất ở trong nước.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã thường xuyên khuyến nghị với người sản xuất ở trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Bên cạnh đó, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định hướng dẫn triển khai Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

"Riêng trong năm 2023, cổng này đã gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành" - Bộ trưởng thông tin.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, cố gắng tách bạch giữa hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bộ cũng tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế hiện nay theo quy định hiện hành. Những hàng hóa có giá trị dưới một triệu đồng thì không phải áp thuế về thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, cho nên cũng cạnh tranh.

Qua theo dõi, chúng ta thấy có 4 sàn lớn mà nước ngoài đang khai thác ở chúng ta thì mỗi một tháng khoảng trên dưới 1 tỷ USD hàng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa là sẽ có một lượng thuế bị thất thoát ở chỗ này nếu như chúng ta không điều chỉnh quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử và tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

Thách thức thứ ba là việc chống thất thu thuế. Thời gian vừa qua, thương mại điện tử đã giao dịch với một lượng rất lớn, với doanh số lên tới gần 21 tỷ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý trong lĩnh vực thuế. Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng, sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

"Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng và website ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong tháng 6/2024. Như vậy, sẽ trước thời gian Thủ tướng chỉ đạo 1,5 năm.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế.

Cuối cùng, tích cực phối hợp với Tổng cục Thuế trong việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên cái thương mại điện tử không kê khai nộp thuế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, thương mại điện tử là mô hình kinh doanh hiện đại và tiện lợi nhưng do đặc thù của môi trường mạng nên để tăng cường quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bộ đã thực hiện một quy trình tiếp nhận và công khai thông tin rất chặt chẽ theo một số yêu cầu như sau: Trước hết, chỉ công khai những website có trên 5 ý kiến phản ánh kèm theo thông tin đầy đủ về người phản ánh.

Thứ hai, yêu cầu các website bị phản ánh phải giải trình, sau khi xác minh rõ nội dung phản ánh mới công khai danh sách có dấu hiệu vi phạm trên cổng. Như vậy, hạn chế tối đa việc đối thủ lợi dụng để nói xấu nhau.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như vận hành và nâng cấp cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh xử lý khiếu nại của người tiêu dùng trực tuyến.

Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm giảm thiểu tối đa các hành vi không lành mạnh trong môi trường thương mại điện tử.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Bốn là, thông tin hướng dẫn người tiêu dùng nâng cao kỹ năng giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.

Năm là, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường truyền thông cho xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái để tránh được những hiện tượng lừa đảo trên thương mại điện tử.

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chi thường xuyên cho trả tiền lương chiếm tới 45%

Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc

Bộ trưởng báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc và Chỉ tiêu năng suất lao động của Việt Nam đều tăng

Đề nghị Quốc hội giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc

Chương trình Thương hiệu quốc gia đã khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là biểu tượng của sáng tạo và năng lực tiên phong

Cơ cấu lại kinh tế vùng, đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Vì sao đầu tư công lớn nhưng không dẫn dắt được đầu tư tư?

Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu

Năng suất lao động thấp, chi phí Logistic cao, đại biểu đề nghị miễn thuế cho doanh nghiệp cảng

Mở đợt cao điểm xử lý dứt điểm tàu cá '03 không' trong tháng 11/2024

Hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới, tạo 'đột phá' phát triển tiểu vùng MeKong

Cử tri Gia Lai phấn khởi, kỳ vọng về Luật Điện lực (sửa đổi)

Chống lãng phí thành công, đất nước ta sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Đại biểu Trần Hữu Hậu: Vướng quy định nhập khẩu điều thô châu Phi, nhiều doanh nghiệp rơi vào lao lý

Sắp diễn ra Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng tăng trưởng kinh tế