Bộ Tài Chính cần sớm xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu
Ghi nhận nỗ lực của các Bộ, ngành
Diễn biến giá xăng dầu thế giới những tháng qua rất phức tạp do tác động ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine; cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu của mặt xăng dầu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung xăng dầu trên thế giới đã khan hiếm thì ngày càng khan hiếm thêm với mức giá biến động liên tục.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương |
Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Báo cáo của Chính phủ gửi tới phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã nêu, công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu đã được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.
Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới thông qua việc sử dụng các công cụ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá và Nghị định 95/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã áp dụng các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Ngoài ra, công cụ Quỹ bình ổn giá được sử dụng linh hoạt để bình ổn thị trường tại các kỳ điều hành khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Về phía Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
Tiếp đó, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước…
Nhận định về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đặc biệt liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương trong kiểm soát giá xăng dầu thời gian qua, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc điều hành giá xăng dầu vừa qua.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham mưu hiệu quả của hai Bộ (Bộ Tài chính và Bộ Công Thương), giá xăng dầu tại Việt Nam tương đối được ổn định trong lúc giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp. “Điều này vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo cuộc sống nhân dân, tránh được sự xáo trộn quá nhiều” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh trong chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, giá xăng dầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp do các tác động tiêu cực nhiều chiều từ nền kinh tế, chính trị thế giới. Chắc chắn giá xăng dầu trong nước cũng không thể ổn định lâu dài trong thời điểm này. Chính phủ cũng khó có thể áp dụng thêm được các giải pháp tiếp tục bình ổn giá xăng dầu như thời gian qua.
Sớm xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu
Câu chuyện được quan tâm hiện nay đó là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp để doanh nghiệp bớt thua lỗ.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014.
Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu…
“Tôi thấy những đề nghị của các doanh nghiệp khá hợp lý và mong muốn Bộ Tài Chính sớm xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bớt thua lỗ” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ, về phía người dân, dù biết giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đang tiến tới hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên chúng ta không thể kỳ vọng sự khó khăn của kinh tế thế giới không ảnh hưởng gì tới kinh tế Việt Nam.
“Chúng ta vẫn phải chịu những tác động tiêu cực và những rủi ro nhất định. Vì vậy, tôi cũng mong muốn nhân dân có sự chia sẻ với Chính phủ, với các Bộ ngành trung ương trong giai đoạn khá khó khăn này” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.