Bổ sung Luật Doanh nghiệp: Phải đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn
Luật Doanh nghiệp đã góp phần tích cực xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng hơn... giữa các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, qua thực tiễn triển khai cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp bộc lộ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục xóa bỏ rào cản kinh doanh, tạo thuận lợi gia nhập thị trường, giải quyết các vấn đề vướng mắc, chồng chéo… với các bộ luật chuyên ngành liên quan khác.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng hoàn thiện các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nhằm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động kinh doanh; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, có nhiều vấn đề Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi một cách căn bản, chứ không chỉ dừng lại ở một số điều khoản mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Dù Luật Doanh nghiệp đã có bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính, song thực tế vẫn còn có nhiều vướng mắc, như việc xác định mã ngành cấp vốn khi đăng ký kinh doanh; thời gian hoàn thành đăng ký kinh doanh giữa thực tiễn và Luật còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết… Đến nay, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam còn thấp, chỉ xếp hạng 104 của thế giới.
Đặc biệt, theo ông Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng, có tính cốt lõi cần xem xét trong việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này, đó là cả nước hiện đang có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm khoảng 30% GDP. Bản chất hoạt động kinh tế của các hộ kinh doanh cá thể chính là doanh nghiệp. Thế nhưng, hệ thống luật hiện nay lại loại các hộ kinh doanh khỏi thành phần doanh nghiệp và không chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Trong khi trên thế giới, không quốc gia nào loại bỏ hộ kinh doanh khỏi sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hoặc tương đương.
“Cần phải coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong nền kinh tế, đồng thời có khung khổ pháp lý cho khu vực này hoạt động tại Luật Doanh nghiệp. Bước đi cải cách này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với chủ trương khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là một hướng đi góp phần thực hiện mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đối với Luật Doanh nghiệp, Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp… |