Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc, theo đó lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức |
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, qua rà soát tổng hợp đã có 9 địa phương, đơn vị báo cáo về tình hình thông tin mà báo chí phản ánh. Đó là tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế; tỉnh Yên Bái; Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế Đà Nẵng.
Qua kiểm tra, xác minh hồ sơ, kết quả cho thấy, số người nhà của một số lãnh đạo địa phương là 60 người (có 2 người không có quan hệ họ hàng). Trong đó số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ 15 người; không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người; không có chức vụ 18 người); số người làm trong cơ quan hành chính là 24 người, cơ quan đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 4 người).
Tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm số đối tượng trên gồm một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ tin học. Cụ thể, trường hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một số trường hợp được bổ nhiệm nhưng không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm như Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, có một trường hợp có trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk và một hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các địa phương có liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra. Đồng thời rà soát điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo kết quả kiểm tra tại biên bản làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, đơn vị; xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp không đáp ứng theo quy định.
“Qua theo dõi, hiện nay một số đơn vị đã thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ sẽ tổ chức kiểm tra trong thời gian tới”, đại diện Bộ này cho biết.
Một vụ việc khác gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là bổ nhiệm công chức quản lý tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Bộ Nội vụ cho biết, việc bổ nhiệm này có một số thiếu sót: có 2 công chức được bổ nhiệm phó phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính; một số trường hợp có thời gian làm công chức tại Sở chưa bảo đảm để đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng quy tụ nhưng đã được bổ sung quy hoạch và được bổ nhiệm phó phòng; một số trình tự bổ nhiệm chưa được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm.
Qua vụ việc này, Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xây dựng, ban hành văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc cấp sở để làm căn cứ thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, thời gian tới sẽ tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Thi đua khen thưởng; đồng thời khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Liên quan đến việc sáp nhập quận tại TP. Hồ Chí Minh, hiện Bộ Nội vụ chưa nhận được văn bản chính thức của thành phố về việc sáp nhập quận. Tuy vậy, quan điểm của Bộ này là, căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, nếu TP. Hồ Chí Minh (và các tỉnh, thành phố khác) đề xuất thực hiện việc sáp nhập quận nói riêng, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói chung thì quan điểm của Bộ Nội vụ là ủng hộ vấn đề này.
Việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ góp phần giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là thực hiện được chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.