Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xin gia hạn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, dù dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác giai đoạn đầu, vẫn còn một số công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng. Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp tục gia hạn để để hoàn thiện hồ sơ và mua sắm linh kiện dự phòng.
Cụ thể, Tổng thầu phải mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot, hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình... Mốc gia hạn 6/11/2023 mà Bộ Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cũng là thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đã được vận hành thương mại (ảnh Internet) |
Vào tháng 11/2020, Bộ Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 11719/BGTVT – KHĐT xin Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 20/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/3/2021 và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ bổ sung đến ngày 28/12/2022.
Dự án đường sắt đô thị có chiều dài 13,05 km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông, đường đôi, khổ 1.435mm, khổ giới hạn tĩnh không 7,8m. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao (bao gồm 2 ga trung chuyển là Cát Linh và Đại học Quốc gia). Tuyến khai thác 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa chuẩn B1 và 11 chuyên ngành thiết bị khác, khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân 35km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 18.001 tỷ đồng tương đương 868,04 triệu USD, trong đó: vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng tương đương 669,62 triệu USD gồm 3 Hiệp định vay (Hiệp định ưu đãi Chính phủ trị giá 1,2 tỷ Nhân dân tệ tương đương 169 triệu USD; Hiệp định ưu đãi bên mua trị giá 250 triệu USD và Hiệp định ưu đãi Chính phủ bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT tương đương 250,62 triệu USD); vốn đối ứng Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 3136/QĐ-BGVT ngày 15/10/2008 của Bộ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013) nhưng do quá trình triển khai Dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân nên Bộ Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án. Trong lần gia hạn gần nhất (tháng 7/2018), Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành Dự án đến quý I/2019. Thời gian bảo hành công trình là 24 tháng, quyết toán dự án trong năm 2021.
Hiện dự án đã đưa vào vận hành thương mại, theo thống kê từ ngày 6/11/2021 - 24/6/2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển 3.846.579 lượt hành khách, trung bình hơn 16.000 lượt hành khách/ngày. Đặc biệt, tuyến đường sắt này đã có 231 ngày vận hành an toàn.
Đây là thành quả tốt nhất trong phương án vận hành giai đoạn đầu đã được Bộ Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội thống nhất. Hơn 7 tháng vận hành, kỷ lục về số hành khách được xác lập vào ngày 7/11/2021 (ngày thứ 2 miễn phí đi tàu), với hơn 54.300 lượt hành khách. Ngày 1/5/2022, xác lập 3 kỷ lục khác là: Vận chuyển được nhiều hành khách nhất từ khi bắt đầu thu phí với hơn 53.000 lượt; một giờ đồng hồ có số lượng hành khách đi đông nhất với hơn 7.000 lượt; doanh thu cao nhất tính đến nay.