Bộ Giáo dục và Đạo tạo: Đã hoàn thành 100% cơ sở dữ liệu từ mầm non, đến phổ thông
Sáng 30/9, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025; và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong năm qua toàn ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, đạt được nhiều kết quả quan trọng, theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tăng cường các hoạt động để thúc đẩy các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục đại học theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra.
Buổi làm việc giữa Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng ngày 30/9. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)) |
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình; việc tổ chức quản lý đã dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.
Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra những hạn chế ngành Giáo dục cần được khắc phục trong thời gian tới như: Công tác quy hoạch, phát triển trường, lớp học chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu học tập của người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục còn bất cập. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng.
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, toàn ngành giáo dục tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.