Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
Năm 2024, bên cạnh công tác triển khai nhiệm vụ chuẩn bị cho các kỳ thi hết cấp, chuyển cấp; chuyển giao giữa chương trình cũ (chương trình giáo dục phổ thông năm 2006) và chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) thì việc đưa Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện các chính sách trong Dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đã và đang được nhiều tầng lớp xã hội quan tâm.
Chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024
Ngày 27/6 -29/6 tới, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trên cả nước. Để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra tốt đẹp, đạt kết quả cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 gồm lãnh đạo các đơn vị: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ. Đến nay, các tỉnh, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện công tác chuẩn bị đề thi cho kỳ thi chính thức diễn ra đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu đề ra. Bộ cũng đã tập huấn quy chế, nghiệp vụ tổ chức kỳ thi, sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, công tác thanh tra, kiểm tra cho tất cả các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.
Để công tác tổ chức kỳ thi được đảm bảo, Bộ đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, đưa ra các phương án vận chuyển đề thi đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện công tác chuẩn bị đề thi cho kỳ thi chính thức diễn ra đúng quy trình (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức các đoàn kiểm tra của Lãnh đạo Bộ về công tác chuẩn bị kỳ thi của các địa phương; chuẩn bị các điều kiện để họp Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia với các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh vào trung tuần tháng 6.
Trước đó, ngày 31/5, Bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh cho hơn 500 đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang ráo riết triển khai việc lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà giáo.
Luật Nhà giáo góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong đó “nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”. Trên quan điểm đó, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là phù hợp và cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có nhà giáo.
Ngày 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Trong đó, Dự thảo luật đưa ra gồm 5 chính sách: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Các chính sách này được cụ thể hóa gồm 9 chương, 71 điều với một số nội dung quan trọng như: Định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách; bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn và bối cảnh mới; quy định thống nhất về tuyển dụng và xếp lương nhà giáo cao nhất, đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập; tháo gỡ bất cập, giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên.
Luật Nhà giáo được ban hành sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.
Các nội dung trong Dự thảo Luật Nhà giáo giúp chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã đưa ra vấn đề đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất đảm bảo xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.
Việc xây dựng, lấy ý kiến và ban hành Luật Nhà giáo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn về quản lý và phát triển nhà giáo.