Phong trào "giờ ra chơi không điện thoại" tạo ra một khoảng không gian quý giá để học sinh giải phóng bản thân khỏi những giới hạn của công nghệ, thay vào đó là sự vận động, giao lưu, và kết nối trực tiếp với bạn bè. Đây không chỉ là một biện pháp hạn chế thời gian dùng điện thoại mà còn là cơ hội để học sinh tìm lại niềm vui, sự tự do trong những hoạt động ngoài trời và cảm nhận được giá trị của việc gắn kết và chia sẻ. |
Khi Điện thoạikhông còn là rào cản |
Tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên, sân trường Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Một nhóm học sinh của Câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật nhanh chóng ùa ra sân, xếp hàng thẳng tắp, bắt đầu cho màn nhảy flash mode đã được tập dượt từ trước. Trong tiếng nhạc sôi động, màn trình diễn thu hút đông đảo học sinh toàn trường theo dõi, vỗ tay theo từng động tác. Các em học sinh đã tham gia và tận hưởng những phút giây giải trí cực kỳ vui vẻ bằng âm nhạc. |
Trong tiếng nhạc sôi động, màn trình diễn thu hút đông đảo học sinh toàn trường theo dõi, vỗ tay theo từng động tác. |
Chia sẻ về giờ ra chơi bổ ích này, cô Nguyễn Thị Đông Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku - cho biết, qua quan sát học sinh ở những lúc ra chơi, hay lúc nghỉ giữa hai tiết học, các em chủ yếu cầm điện thoại chơi game, lướt mạng xã hội. Mỗi em ngồi một góc, chỉ chú tâm vào điện thoại. Nhiều em đang chơi dở ván game, xem một chương trình gì đó, hay đang nhắn tin… khi vào lại tiết học, tâm lý các em vẫn nghĩ đến chiếc điện thoại. Không dừng ở đó, các em tỏ ra uể oải, không tập trung vào các bài giảng. Từ cuối tháng 10/2024, Trường THPT Pleiku đã triển khai nghiêm túc việc quản lý điện thoại di động của học sinh trong giờ học và tại trường học. Ban giám hiệu cùng các thầy cô thường xuyên phổ biến, nhắc nhở đến học sinh thông qua các buổi sinh hoạt lớp, giờ chào cờ. Thời gian đầu khi nhà trường áp dụng nội quy này thì vẫn có 1 đến 2 em học sinh lén sử dụng, cố tình sử dụng. Dần dần, khi nghe thầy cô tuyên truyền, chia sẻ về những mặt tốt của việc nộp điện thoại thì các em đã bắt đầu tự giác hơn. “Nhà trường chuẩn bị sẵn tủ đựng ở mỗi lớp để các em cất điện thoại đầu buổi và lấy lại sau khi kết thúc buổi học. Nhà trường cũng xây dựng phương án để bảo vệ tài sản khi các em để điện thoại vào tủ. Việc quản lý điện thoại di động của học sinh khi tới trường học và trong giờ học đã được triển khai trong toàn trường với sự thống nhất và đồng tình cao giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các em học sinh” - cô Hải chia sẻ. |
Cứ đầu mỗi buổi học, tất cả các em học sinh sẽ đặt điện thoại vào tủ và lớp trưởng sẽ là người quản lý. |
Toàn trường có 30 phòng học, mỗi phòng học được trang bị 1 tủ kính kích thước 30 x 50 cm. Cứ đầu mỗi buổi học, tất cả các em học sinh sẽ đặt điện thoại vào tủ và lớp trưởng sẽ là người quản lý. Để tránh việc điện thoại đổ chuông gây ảnh hưởng trong giờ học, trước khi bỏ điện thoại vào tủ, các bạn học sinh đều được hướng dẫn, nhắc nhở tắt chuông. Nếu cần liên lạc với gia đình, học sinh sẽ được giáo viên và lớp trưởng hỗ trợ. Em Nguyễn Minh Thư - Lớp trưởng lớp 11A5 - chia sẻ: "Mỗi sáng đến lớp, 100% điện thoại của các bạn sẽ được cất vào tủ. Sau đó, em sẽ khóa tủ và đến hết buổi học các bạn sẽ nhận lại điện thoại của mình. Ban đầu chúng em có bỡ ngỡ vì khi đến trường phải bỏ điện thoại vào tủ, không sử dụng trong suốt thời gian đến trường. Sau một thời gian thực hiện, em thấy bản thân mình thay đổi rất nhiều, không còn cảm giác “bứt rứt” nữa. Đổi lại, em thấy bản thân tập trung, không còn những khoảng thời gian xao nhãng trong giờ học. Mỗi giờ ra chơi, em dành thời gian để trao đổi bài còn chưa hiểu; nói chuyện với các bạn, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, những chuyện thường gặp với bạn bè”. Cô Đỗ Thị Thu Thủy - Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Pleiku - thông tin: "Từ khi triển khai mô hình, mỗi giờ lên lớp dạy, giáo viên cũng không phải lo lắng các em có làm việc riêng trong giờ học như trước kia. Mỗi lần giao bài tập, giáo viên cũng sẽ biết rõ năng lực của các em hơn. Hoạt động này đang mang lại hiệu quả tích cực, thành tích học tập của các em được nâng lên rõ rệt”. |
Tham gia hoạt động sân trường |
Để những giờ ra chơi không điện thoại không nhàm chán, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm như tổ chức sự kiện, chương trình giao lưu và tạo thêm sân chơi bổ ích thông qua các câu lạc bộ của nhà trường. Khi không còn điện thoại ở trên tay, các em học sinh đã tham gia vào các hoạt động vui chơi do nhà trường, đội nhóm tổ chức. Những hoạt động này không chỉ lấp đầy khoảng thời gian giờ ra chơi mà còn giúp học sinh gắn kết, phát huy năng khiếu và nâng cao kỹ năng mềm. Nhờ sự kết hợp giữa tuyên truyền và tổ chức hoạt động thiết thực, việc không sử dụng điện thoại khi đến trường đã trở thành nề nếp và được học sinh toàn trường tự giác tuân thủ nghiêm túc. |
Khi không còn điện thoại ở trên tay, các em học sinh đã tham gia vào các hoạt động vui chơi do nhà trường, đội nhóm tổ chức. |
Góp phần giúp giờ ra chơi trở nên thú vị và hào hứng, cứ 2 lần/tuần (vào giờ ra chơi sau tiết 1 của sáng thứ 5 và chiều thứ 7), Câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật Trường THPT Pleiku sẽ tổ chức các chương trình giao lưu dưới sân trường để khấy động các bạn học sinh sau tiết học căng thẳng. Em Mai Nguyễn Trúc Quỳnh - Chủ nhiệm câu lạc bộ - cho biết: “Để chuẩn bị chương trình, các tiết mục cho giờ sinh hoạt thú vị này câu lạc bộ chúng em không mất quá nhiều thời gian. Vì mỗi tuần chúng em có 3-4 buổi tập luyện cùng nhau. Ngoài các thể loại hát, nhảy, đồng diễn flash mode,... Câu lạc bộ của chúng em còn tổ chức các trò chơi như: nghe nhạc đoán tên bài hát, hỏi nhanh đáp nhanh,... để giao lưu tương tác với các bạn trong toàn trường. Giờ sinh hoạt này cũng giúp các thành viên trong câu lạc bộ có thêm sân chơi để các bạn thể hiện năng khiếu của mình”. |
Em Lê Đặng Thuỳ Trâm (lớp 11C3) hào hứng chia sẻ: Từ khi đoàn trường thực hiện mô hình “2 không”, thay vì sử dụng điện thoại, em và các bạn đã tham gia những trò chơi vận động như đá cầu, tập thể dục, đọc sách hoặc trao đổi bài vở với nhau. Em thấy các hoạt động này không chỉ giúp chúng em “cai” dần điện thoại, máy tính mà còn giúp học sinh tăng giao tiếp, việc học tập cũng hiệu quả hơn. Còn em Bùi Phạm Trúc Quyên (lớp 11C1) nói rằng: Không để điện thoại bên cạnh người em thấy mình tập trung học bài hơn và cảm nhận mỗi ngày đến trường đều thú vị. Giờ ra chơi, có bạn thì chọn ngồi giải bài tập, có bạn thì rủ nhau xuống sân chơi bóng chuyền, đá cầu, có bạn lại ngồi nói chuyện với nhau. Đặc biệt, tụi em khá thích các buổi sinh hoạt giữa giờ của Câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức, hàng tuần chúng em háo hức đón chờ xem các bạn sẽ thể hiện tiết mục gì. |
Cô Nguyễn Thị Đông Hải cho biết: "Khi quy định đã đi vào nền nếp, thì chúng tôi nhận thấy các em trò chuyện với nhau nhiều hơn trong thời gian ra chơi. Số học sinh chơi thể thao nhiều hơn, văn hóa đọc trong nhà trường cũng được đẩy mạnh. Quan trọng nhất là tình cảm, sự gắn bó giữa học sinh với nhau khăng khít hơn rất nhiều, bởi các em không bị điện thoại chi phối”. |
Tình cảm, sự gắn bó giữa học sinh với nhau khăng khít hơn rất nhiều, bởi các em không bị điện thoại chi phối. |