Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024
Thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước
Khởi động từ năm nay, Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Diễn đàn đã thu hút được sự tham gia của các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, các trường đại học, doanh nghiệp bán lẻ, công ty luật, các chuyên gia kinh tế và các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin.
Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển thương mại trong nước năm 2024 |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu lớn, bao gồm: Xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, hiệu quả, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền và nâng cao khả năng cạnh tranh của thương mại trong nước; Khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và các mô hình bán lẻ thông minh; Gắn kết phát triển thương mại với tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Chiến lược này không chỉ định hướng cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh mà còn đặt ra yêu cầu phải gắn kết chặt chẽ giữa tốc độ phát triển và tính bền vững theo đúng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, ông Phan Văn Chinh cho rằng, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm trong đó cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng.
Thứ năm, thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh trong đó điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
Xây dựng chính sách cho phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ
Diễn đàn là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện một hệ thống bán lẻ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thương mại trong nước. Chương trình được chia thành hai phiên thảo luận chính, tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong phát triển hệ thống bán lẻ, bao gồm: “Chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam” và “Phát triển bền vững đối với chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại”.
Phiên thảo luận đầu tiên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt khi các diễn giả chia sẻ các giải pháp chính sách và đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển của hệ thống phân phối, hướng đến việc tăng cường sự hiện diện và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế. Các ý kiến đưa ra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các mô hình bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, chuỗi cung ứng thông minh và ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán lẻ.
Trong phiên thảo luận thứ hai, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tập trung phân tích các thách thức và cơ hội trong việc phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại. Các vấn đề như việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng, cũng như sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng bán lẻ trực tuyến được xem là yếu tố quan trọng trong việc phát triển hệ thống bán lẻ bền vững.
Diễn đàn cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả của các chính sách và pháp luật hiện hành đối với ngành bán lẻ, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển, bà Đoàn Thị Hương Thanh -Giám đốc Pháp chế, Wincommerce chia sẻ, theo Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn trong đó Giai đoạn từ 2021 đến 2030 tập trung vào chỉ số như: tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 38 - 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
“Đề nghị Chính phủ và các cơ quan, bộ ban ngành hoàn thiện và ban hành các chính sách liên quan đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong nước phát triển. Trong đó, cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện liên quan đến việc tham gia thị trường bán lẻ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh quá trình công nhận các quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nội địa (đặc biệt là đặc sản Việt Nam) và có hướng dẫn triển khai việc đánh giá, cấp chứng nhận nhãn hiệu nổi tiếng cho các nhà bán lẻ nhằm tăng cường nhận diện sản phẩm/nhà bán lẻ nội địa, tránh đạo nhái, làm giả hàng hóa” – bà Đoàn Thị Hương Thanh kiến nghị.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn là chú trọng vào các giải pháp phát triển bền vững trong thương mại, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và phát triển các mô hình tiêu dùng xanh. Các diễn giả cho rằng, việc áp dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và các công cụ phân tích dữ liệu trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động bán lẻ, mà còn góp phần tạo ra một thị trường bán lẻ xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Đối với vấn đề phát triển bền vững, đại diện kênh bán lẻ AEON, ông Satoshi Nishikawa - Giám đốc cấp cao Đại diện Khu vực phía Bắc & Văn phòng Hà Nội chia sẻ, vì sự phát triển bền vững, AEON hướng tới giảm tác động môi trường lên khu vực địa phương, đạt được tăng trưởng kinh tế dài hạn ở Việt Nam, và hiện thực hóa sự đa dạng, công bằng và cùng tồn tại giữa mọi người.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành bán lẻ hiện đại. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị bán lẻ, chuyển đổi số và quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại và bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương trong chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, sáng tạo và bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành bán lẻ trong nước là yếu tố quan trọng hàng đầu.