Thứ năm 19/12/2024 22:19
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII:

Bộ Công Thương: Nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tình hình mới

Với quá trình tăng trưởng kinh tế, nhu cầu về năng lượng cũng tăng dần theo các năm. Để đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp.

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng

Trong bối cảnh thế giới thời gian qua có nhiều biến động bất thường, có những thời điểm dị biệt (dịch covid-19, xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng toàn cầu…), cung cấp năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là cung cấp điện vẫn cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với xăng dầu, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.

Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cơ bản được đảm bảo. Ảnh: Cấn Dũng

Kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 25/10/2017 trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng khai thác thực tế đạt 61,24 triệu tấn, trung bình đạt 12,48 triệu tấn/năm hoàn thành mục tiêu đặt ra. Tổng sản lượng khai thác nước ngoài đạt 9,87 triệu tấn, trung bình là 1,96 triệu tấn/năm không đạt chỉ tiêu quy hoạch đặt ra. Tổng sản lượng khí khai thác trong nước đạt 49,97 tỷ m3, trung bình đạt 9,97 tỷ m3/năm và tiệm cận chỉ tiêu đặt ra. Sản lượng xăng đáp ứng khoảng 90%, DO đáp ứng trên 60% và sản xuất urê đáp ứng 100% nhu cầu trong nước hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn, sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo an ninh cung ứng điện. Công nghiệp khai thác dầu khívà lọc hóa dầu phát triển mạnh, sản lượng khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn.

Ngành điện đã đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. Đồng thời, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu đến năm 2025 hầu hết các hộ được sử dụng điện với nhu cầu vốn khoảng 19.779 tỷ đồng, thực hiện mục tiêu cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 911.400 hộ dân.

Ngành điện đã đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. Ảnh: Mạnh Hùng

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, ngành năng lượng đã được chuyển đổi tích cực sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượngquốc gia còn nhiều thách thức. Nguyên nhân do các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng xác minh các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống có khả năng khai thác không lớn, năng lực sản xuất, phân phối và khả năng dự phòng hạn chế. Việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn.

Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đó là cơ sở hạ tầng ngành năng lượng.

Thời gian qua, công tác đầu tư, phát triển hạ tầng ngành năng lượng đã cơ bản thực hiện theo Chiến lược, Quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng phân ngành điện, than, xăng dầu, khí đốt.

Cùng với đó, hạ tầng ngành dầu khí được đầu tư, phát triển tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến phân phối. Hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt đã được đầu tư tương đối hiệu quả. Hiện cả nước có 89 kho xăng dầu thương mại đã được đầu tư đúng quy định và hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn với tổng sức chứa khoảng 5.000 ngàn m3; 16 kho khí dầu mỏ hóa lỏng tổng sức chứa gần 440 ngàn tấn, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động của thị trường.

Hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt đã được đầu tư tương đối hiệu quả. Ảnh: Cấn Dũng

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều dự án triển khai theo quy hoạch nhưng chưa đi vào hoạt động do quá trình đầu tư kéo dài, hạ tầng cảng biển một số khu vực như Tây Nam Bộ chưa đáp ứng được cho tầu trọng tải lớn nên các dự án kho quy mô lớn hoạt động kém hiệu quả, hạ tầng dự trữ quốc gia chưa được đầu tư theo kỳ vọng…

Cùng với đó, hệ thống vận tải ngoài và các cảng xuất than nội địa được đầu tư cơ bản theo đúng định hướng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành than, đáp ứng yêu cầu sản xuất than; cơ bản chấm dứt hoạt động vận tải than bằng ô tô của các đơn vị dọc tuyến quốc lộ và các khu dân cư chuyển đổi thành phương thức vận tải đường dắt hoặc băng tải; cơ bản xóa bỏ các bến rót than có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ..., Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu phương án và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện cảng trung chuyển than và kho dự trữ than quy mô lớn, tích hợp nội dung vào Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia làm cơ sở triển khai thực hiện.

Liên quan đến quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã tổ chức lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, trong đó đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dự trữ, cung ứng; đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030 tầm nhìn 2045 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020, đến nay các phân ngành năng lượng đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Đối với thị trường than cho sản xuất điện, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than (trừ các nhà máy nhiệt điện BOT được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cung cấp than) chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian tồn tại nhà máy. Điều này đã góp phần cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy điện thông qua việc ký hợp mua bán than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), TCT Đông Bắc hoặc các doanh nghiệp cung cấp than khác có nguồn than hợp pháp với giá cả cạnh tranh, hiệu quả.

Đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy điện. Ảnh: Thu Hường

Bên cạnh đó, thị trường khí đã thống nhất một đầu mối thu mua tại thượng nguồn đối với mỗi hệ thống khai thác, phân phối khí, cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa cho LPG, CNG.

Ngoài ra, đối với thị trường điện, cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh được đưa vào vận hành chính thức từ 1/7/2012 đến hết năm 2018 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh được đưa vào vận hành chính thức từ 1/1/2019 đã kế thừa các kết quả của thị trường phát điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN trong khâu phát điện, mua buôn điện, mở rộng được số lượng lớn các đơn vị mua điện trên thị trường.

Ngày 07/8/2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, qua đó cho phép các khách hàng tiêu thụ điện có thể lựa chọn đơn vị cung cấp điện.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Thu Hường

Đặc biệt công tác bình ổn giá xăng dầu đã được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định của pháp luật để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời cũng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng thông qua Quy hoạch điện VIII

Với quan điểm phát triển năng lượng bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa loại hình năng lượng theo lộ trình và các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra các giải pháp về phát triển khoa học công nghệ.

Theo đó, từng bước hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.

Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.

Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng. Ảnh: Thu Hường

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, có trình độ cao; tăng cường các biện pháp nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và ứng dụng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để từng bước đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh nghiên cứu các dạng năng lượng mới, như năng lượng hạt nhân, sóng biển, địa nhiệt, hydro xanh, amoniac xanh...; xây dựng các chiến lược về các dạng năng lượng mới khác.

Có thể khẳng định, công tác quản lý nhà nước về năng lượng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tính từ năm 2016 đến năm 2021 Chính phủ đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành 28 Luật, Bộ luật, Văn bản hợp nhất Luật; 11 Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương; 06 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Nghị quyết; 121 Nghị định, 53 Quyết định, Chỉ thị hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng.

Quá trình xây dựng, triển khai, thực hiện hệ thống văn bản pháp luật năng lượng cho thấy, về tổng thể hệ thống pháp luật năng lượng đã cơ bản hoàn thiện, thống nhất, khả thi.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: An ninh năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Giải bài toán lãng phí từ dự án lưới điện - Bài 1: Hàng loạt dự án cấp bách chậm tiến độ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về năng lượng

Bài 3: Chính sách giá điện đang dần theo hướng thị trường

Nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân ở Đông Nam Á đã đi được đến đâu?

Bài 2: Quốc hội giám sát, chỉ ra điểm nghẽn trong chính sách phát triển điện lực

Bài 1: Giá điện và công tác thực thi chính sách

Tổng kết đường dây 500kV mạch 3: 6 bài học kinh nghiệm

Cần có cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi, gỡ khó cho điện khí

Lắng nghe ý kiến, đề xuất từ Đại biểu Quốc hội về Luật Điện lực (sửa đổi)

Tầm nhìn và ngành điện của Liên bang Nga như thế nào trong 18 năm tới?

Luật sư Bùi Văn Thành: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cần sự kiểm soát của nhà nước

PGS. TS Ngô Trí Long: Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu hướng đến lợi ích chung

Tại sao thương nhân phân phối xăng dầu không được mua hàng của nhau?

Vì sao Microsoft khởi động lại nhà máy điện hạt nhân từng bị rò rỉ phóng xạ?

Đảm bảo an ninh năng lượng, các doanh nghiệp kiến nghị những gì?

Wood Mackenzie: Ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu trong tiêu thụ khí đốt

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, thúc đẩy các dự án năng lượng trọng điểm